UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm ở Trảng Bom

Thứ sáu - 17/05/2024 10:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã có văn bản yêu cầu xử lý các vấn đề liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở huyện Trảng Bom.

Nhiều công nhân bị ngộ độc thực phẩm tối 15-5
Nhiều công nhân bị ngộ độc thực phẩm tối 15-5

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom và các đơn vị liên quan điều trị và hỗ trợ đảm bảo sức khỏe các bệnh nhân bị nghi ngộ độc; Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ ngộ độc trên, đồng thời, tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn bán trú trường học…

Ngoài ra, Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… và các cơ quan liên quan để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm, bệnh phẩm, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và Sở Công Thương thông báo đến các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần đảm bảo ATVSTP đối với việc nhận và cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Riêng Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cần chỉ đạo tạm ngưng hoạt động đối với nhà thầu cung cấp thức ăn là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Hồng Phúc đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Các địa phương khác cũng cần tăng cường đảm bảo VSATTP trên địa bàn, nhất là trong các doanh nghiệp, công ty có nhiều người lao động.

Theo đó, tối ngày 15-5, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom lần lượt tiếp nhận, cấp cứu cho 94 công nhân của Công ty TNHH De Chang Việt Nam (100% vốn Trung Quốc, đóng tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom). Những công nhân này trong bữa ăn chiều tại công ty đã ăn món mì quảng gà. Sau đó ít lâu thì có triệu chứng đau bụng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Một số trường hợp có thêm triệu chứng sốt cao.

Điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong ngày 15-5, đơn vị cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH De Chang Việt Nam cung cấp hơn 1,1 ngàn suất ăn chiều là món mì quảng gà cho công nhân của 5 chuyền của công ty. Có 400 công nhân của 2 chuyền ăn trước, trong số này có 94 công nhân có biểu hiện ngộ độc thực phẩm.

Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại công ty, lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Đồng thời, điều tra nguyên nhân gây vụ ngộ độc thực phẩm.

Đến 15h chiều ngày 16-5, đã có 88/94 bệnh nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm đã được xuất viện, còn 6 bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Trảng Bom làm gần 660 người mắc. Trong đó, có nhiều trường hợp phải điều trị dài ngày tại các bệnh viện.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác điều trị, điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Trong đó, giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm. Thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. Qua đó, thay đổi ý thức, hành vi, thói quen lựa chọn, sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây