(CTT-Đồng Nai) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030.

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thịt gà được đưa về tiêu thụ tại chợ Tam Hòa, thành phố Biên Hòa
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thịt gà được đưa về tiêu thụ tại chợ Tam Hòa, thành phố Biên Hòa
Mục tiêu nhằm xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý chuyên ngành thú y.
Mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người. Đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng được 10 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện (ngoại trừ thành phố Biên Hòa) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. Đến năm 2030, duy trì các vùng an toàn dịch bệnh, có 3 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đạt chuẩn của tổ chức Thú y thế giới. Xây dựng được 2 vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi. Trên cơ sở đó, phát triển, đa dạng thị trường xuất khẩu sản phẩm động vật như thịt gà, mật ong, tổ yến.
Về mục tiêu nâng cao năng lực kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm động vật gồm: đầu tư nâng cấp Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm dịch động vật; 100% động vật được đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được thực hiện kiểm soát giết mổ; 100% chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt heo, gia cầm, trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong, tổ yến…được triển khai thực hiện.
Năng lực quản lý thuốc thú y được nâng cao. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, quản lý thuốc thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2024-2030 như: Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người. Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật. Nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y.
Kế hoạch cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương để đạt các mục tiêu trên. Trong đó, ngành nông nghiệp có trách nhiệm chính.