Ngành nông nghiệp tích cực triển khai chuyển đổi số

Thứ tư - 15/05/2024 09:24
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Chiều ngày 14-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”. Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo bộ, ngành trung ương, các đơn vị, tổ chức khác cũng như các hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận tại hội nghị

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Đến nay, có hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam được chào bán trên những sàn Thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao.

Đặc biệt, hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, tỉnh tích cực triển khai nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, vận hành 27 phần mềm. Đặc biệt, năm 2020, ngành nông nghiệp triển khai 2 dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; các mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong nuôi trồng thủy sản công nghệ cao siêu thâm canh, sử dụng chíp điện tử theo dõi sức khỏe và thức ăn chăn nuôi heo giống, công nghệ tự động kiểm soát nhiệt độ, nước uống, thức ăn chăn nuôi gà công nghiệp,…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương, trân trọng về những nỗ lực, kết quả, cố gắng của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số. Đặc biệt, những nông dân, doanh nghiệp đã tham gia vào chuyển đổi số rất hào hứng và thực sự làm được rất nhiều việc; góp phần vào những bứt phá, kỳ tích ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua. Hình ảnh, vị thế của Việt Nam được nâng lên có sự đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp, nhất là về an ninh lương thực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng chỉ ra những vướng mắc, hạn chế chung là thể chế phát triển nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ngoài ra, còn một số hạn chế như: hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu; số hóa dữ liệu trong nông nghiệp cực kỳ nhiều nhưng tổng hợp, thống kê, kết nối đạt tỷ lệ chưa cao; thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân ứng dụng công nghệ cao, cụ thể là chuyển đổi số còn hạn chế.

Theo đó, ngành nông nghiệp phải tập trung cải cách thủ tục hành chính; phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp; phải làm hạ tầng số để các cơ sở dữ liệu này kết nối được với nhau, tạo sự thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận. Cần xác định thứ tự ưu tiên trong việc làm cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin phải là đầu mối chủ trì, triển khai trên cơ sở nguồn dữ liệu từ ngành nông nghiệp.

Tác giả: Song Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây