Gia tăng bệnh không lây nhiễm

Thứ ba - 31/12/2024 15:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 80% số ca tử vong tại Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm (như ung thư, tim mạch, huyết áp…). Người bệnh mắc những bệnh này phải điều trị trong thời gian dài, tốn kém nhiều thời gian, chi phí.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị bệnh tim.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị bệnh tim.

Số ca bệnh ngày càng tăng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2024, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng tư vấn của Trung tâm y tế huyện Long Thành, phòng tư vấn tại Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc và phòng tư vấn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xét nghiệm đường huyết và tư vấn bệnh đái tháo đường cho hơn 25,4 ngàn người.

Trong đó có hơn 14,3 ngàn lượt bệnh nhân cũ, hơn 11 ngàn người được khám và tư vấn lần đầu. Qua thăm khám, nhân viên y tế đã phát hiện hơn 2,1 ngàn bệnh nhân đái tháo đường mới, hơn 1,4 ngàn người được xác định là tiền đái tháo đường.

Đối với bệnh tăng huyết áp, hiện có hơn 19,9 ngàn bệnh nhân đang được quản lý tại các trạm y tế; số bệnh nhân được ghi nhận từ các trung tâm y tế và các bệnh viện là hơn 97,1 ngàn người. Hơn 4,2 ngàn bệnh nhân tăng huyết áp mới được phát hiện.

Riêng bệnh ung thư, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 3,6 ngàn ca mắc ung thư mới, nâng tổng số bệnh nhân ung thư trên địa bàn tỉnh được quản lý là hơn 16,3 ngàn người.

Bệnh ung thư phân bố đa dạng về loại bệnh và tập trung vào nhóm ung thư đường tiêu hóa, ung thư phụ khoa. Cụ thể, bệnh ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là ung thư đại trực tràng.

Những loại ung thư thường gặp ở nam giới là ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng. Trong đó, bệnh ung thư đại trực tràng chiếm tỷ lệ cao nhất. Ở nữ giới, loại ung thư thường gặp nhất là ung thư vú, cổ tử cung, đại tràng.

Sự phát triển của xã hội hiện đại cũng góp phần làm gia tăng các bệnh lý về sức khỏe tâm thần. Có tổng cộng hơn 3,4 ngàn bệnh nhân tâm thần đang được quản lý tại cộng đồng, bao gồm các thể tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn tâm thần…

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tất Trung, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh không lây nhiễm gia tăng trong những năm gần đây. Trước hết là do lối sống thụ động, ít vận động của người dân. Tiếp đến là do chế độ ăn uống với nhiều thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, do hệ thống y tế phát triển rộng khắp nên ngày càng nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, thực hiện nhiều xét nghiệm, siêu âm, tầm soát… Qua đó, phát hiện nhiều ca bệnh.

Cũng theo bác sĩ Trung, những bệnh nhân bị các bệnh không lây nhiễm phải điều trị liên tục, thậm chí cả đời dẫn đến gánh nặng về chi phí điều trị gia tăng, đặc biệt với những người không có thẻ bảo hiểm y tế.
Bác sĩ hướng dẫn dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường.
Bác sĩ hướng dẫn dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Chủ động phòng ngừa

TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, từ năm 2010, các chương trình, dự án phòng chống các bệnh không lây nhiễm đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Phải kể đến như hoạt động phòng chống bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em, hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt.

Ngoài ra, mạng lưới phòng chống bệnh không lây nhiễm được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến huyện, xã. Hiện nay, 11 trung tâm y tế trong tỉnh đều có cán bộ chuyên trách phụ trách các chương trình này.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác kiểm soát bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo các bác sĩ, bệnh tăng huyết áp là bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng điển hình nên người bệnh thường có tâm lý chủ quan, không đi khám bệnh hoặc đi khám bệnh trễ dẫn đến phát hiện bệnh muộn.

Đối với bệnh tâm thần, trên địa bàn tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh để điều trị cho bệnh nhân. Công tác khám, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ tâm thần trong tỉnh còn gặp nhiều hạn chế. Công tác khám sàng lọc phụ thuộc vào Đề án 1816 nên còn khó khăn trong việc phát hiện ca bệnh mới tại cộng đồng.

Mặt khác, mạng lưới y tế cơ sở đa số chưa được đào tạo chuyên khoa tâm thần nên chưa có năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần tại địa phương. Chưa thực hiện được công tác khám và điều trị tại tuyến huyện. Các trạm y tế tuyến xã chủ yếu tham gia quản lý bệnh tâm thần theo chỉ định trong hồ sơ bệnh án của người bệnh đã được khám sàng lọc của đoàn khám chuyên khoa hoặc điều trị theo chẩn đoán của các bệnh viện chuyên khoa tâm thần.

Trong khi đó, người mắc bệnh ung thư thường có tâm lý giấu bệnh, hạn chế tiếp xúc với người ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra, ghi nhận ca bệnh đầy đủ, chính xác. Công tác ghi nhận tỷ lệ bệnh ung thư vú, khoang miệng, đại trực tràng, cổ tử cung ở giai đoạn sớm khó thực hiện.

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh không lây nhiễm, người dân cần có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị bệnh sớm (nếu có).

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây