(CTT-Đồng Nai) - Mặc dù còn gặp ít nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, song ngành Y tế Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn.

Sở Y tế lần đầu tổ chức hội nghị chuyển đổi số y tế
Sở Y tế lần đầu tổ chức hội nghị chuyển đổi số y tế
Nhiều loại dịch bệnh được kiểm soát
Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng cho biết, với việc chủ động triển khai nhiều biện pháp dự phòng nên trong năm qua, số ca bệnh truyền nhiễm lưu hành nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh giảm nhiều so với năm 2023. Đối với bệnh sốt xuất huyết, tỉnh ghi nhận 1 ca tử vong, giảm 4 ca so với năm 2023. Các bệnh dại, uốn ván, viêm não Nhật Bản, ho gà tăng nhưng vẫn được kiểm soát không để bùng phát; không ghi nhận ca mắc tả, thương hàn, cúm A (H5N1), zika, liên cầu lợn ở người.
Riêng đối với bệnh sởi, mặc dù số ca bệnh tăng rất mạnh nhưng tỉnh vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Công tác điều trị bệnh sởi được chú trọng. Nhiều ca bệnh sởi nặng, phải thở máy dài ngày được điều trị thành công.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, bệnh viện đã triển khai 4 khu tiếp nhận thu dung, điều trị bệnh nhi sởi/sốt phát ban nghi sởi; tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm chéo bệnh sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhờ đó, không có trường hợp nào bệnh nặng tử vong trong bệnh viện.
Chiến dịch tiêm vaccine sởi cũng được ngành y tế chủ động thực hiện. Đến nay, có gần 95 ngàn trẻ từ 1-10 tuổi và nhân viên y tế đã được tiêm vaccine sởi - rubella, đạt 97% đối tượng, vượt mục tiêu đề ra.
Trong năm qua, mặc dù ở nhiều địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu thuốc nhưng ở Đồng Nai không có tình trạng này. Ngành y tế đã thực hiện tốt công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất tập trung theo kế hoạch và luôn đảm bảo đầy đủ phương tiện, thuốc men, thiết bị, vật tư y tế, hóa chất cung ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Không để tình trạng thiếu, gián đoạn cung ứng vật tư, hóa chất, thuốc men tại các địa phương, đơn vị y tế. Ngành luôn có phương án đảm bảo đầy đủ nhân lực cho các tình huống dịch bệnh khi có bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được trao chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được trao chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ
Tiển khai nhiều kỹ thuật cao
Về công tác khám, chữa bệnh, theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, năm qua, các cơ sở y tế trong tỉnh đã có những bước nhảy vọt trong tiếp nhận, triển khai kỹ thuật cao và ứng dụng khoa học - công nghệ trong khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân.
Nhiều bệnh viện đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật và điều trị bệnh phức tạp, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân. Qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, hướng tới mục tiêu giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế công bằng, chất lượng cao ngay tại địa phương.
Theo thống kê trong năm qua, có hơn 7 triệu lượt người dân đã khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Công suất giường bệnh chung đạt duy trì trên 80%, đặc biệt đối với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đạt 105%, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đạt 110%, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đạt trên 90%...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị trong năm 2025, ngành y tế cần tiếp tục chú ý kiểm soát tốt hơn nữa vấn đề an toàn thực phẩm nhằm hạn chế tối đa số người bị ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh. Tăng cường thanh, kiểm tra, dù là cơ sở y tế dù công lập hay tư nhân. Đặc biệt, ngành y tế cần mở rộng hợp tác, phối hợp với các trường đại học y dược để tăng cường đào tạo nhân lực, giải quyết bài toán thiếu nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhi tại bệnh viện
Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhi tại bệnh viện