(CTT-Đồng Nai) - Năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã khen thưởng 33 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện chương trình 4 “giảm” (gồm: giảm ma túy, giảm tội phạm, giảm mại dâm và giảm tai nạn giao thông).

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung tặng bằng khen của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình 4 “giảm”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung tặng bằng khen của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình 4 “giảm”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung, thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình, cách làm hay ở khu dân cư gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những nhân tố có đóng góp tích cực.
68 mô hình xây dựng khu dân cư an toàn
Toàn tỉnh đang duy trì 68 mô hình khu dân cư an toàn gắn với giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng giao thông nông thôn… Điểm chung là nơi nào người dân chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả mô hình thì nơi đó khu dân cư không xảy ra sự việc mất an ninh trật tự, đường giao thông được tu sửa kịp thời, cảnh quan xanh - sạch - đẹp được duy trì…
Cụ thể, thông qua mô hình Tuổi cao gương sáng do hội người cao tuổi các cấp triển khai, thời gian qua, hội người cao tuổi các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, trong đó có thể kể đến những phong trào như: Người cao tuổi nêu gương sáng; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo…
Đến nay, những mô hình, phong trào này được triển khai đến 999 chi hội cùng hơn 6 ngàn tổ hội người cao tuổi. Qua đó, có gần 11 ngàn người cao tuổi tham gia tổ an ninh, tổ nhân dân, tổ hòa giải, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Người cao tuổi đã tham gia hòa giải thành công 80 vụ và phối hợp với công an, các đoàn thể vận động cai nghiện ma túy 70 đối tượng; cảm hóa giáo dục 30 đối tượng lầm lỡ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời, cung cấp cho lực lượng công an 405 nguồn tin có giá trị, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn dân cư.
Ngoài ra, tỉnh hiện xây dựng được 928 tổ an ninh nhân dân với sự tham gia của người dân không phân biệt thành phần tôn giáo, dân tộc. Qua những tổ nhân dân này, người dân tự nguyện tham gia tuần tra vào ban đêm hay phối hợp với lực lượng chức năng xử lý tình huống ở khu dân cư.
Tìm mô hình phù hợp
Bên cạnh những mô hình được áp dụng đại trà, tùy theo đặc điểm địa bàn dân cư mà mỗi ấp, khu phố chú trọng vào những hoạt động trọng tâm.
Như tại ấp An Bình (xã Bình An, huyện Long Thành), năm 2024, ấp này được chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và bài toán làm sao huy động được sự chung tay, tham gia của người dân thực hiện nhiệm vụ này rất quan trọng. Với những gia đình sống dọc theo tuyến đường tỉnh 769 và 17 tuyến đường giao thông nội bộ, ấp triển khai mô hình 100% hộ đăng ký thu gom rác sinh hoạt; đẩy mạnh Chương trình “4 giảm”, không lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, không đặt vật cản trở giao thông. Riêng với các hộ làm nông, ban ấp xây dựng mô hình Câu lạc bộ Chăn nuôi bò với sự tham gia của 19 gia đình để giúp nhau về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống. Đồng thời, thông qua mô hình câu lạc bộ này tuyên truyền, nhắc nhở người dân chú ý xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ấp An Bình còn tiên phong trong xây dựng mô hình sân chơi thể thao miễn phí, nhờ đó mà ngoài khuôn viên nhà văn hóa ấp, trong ấp còn hình thành 4 sân chơi thể thao phục vụ miễn phí cộng đồng… Những nỗ lực này đã giúp ấp được công nhận là Khu dân cư kiểu mẫu năm 2024.
Riêng tại ấp Bưng Cần (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) có 480 hộ là đồng bào có đạo. Theo Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bưng Cần Võ Thị Mỹ Liên, mô hình này được duy trì từ năm 2021 với 25 trường hợp không phân biệt lương giáo được nhận giúp đỡ 500 ngàn đồng/tháng. Điều này góp phần thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo, các thành phần dân tộc tại địa phương trong thực hiện công tác an sinh xã hội.