(CTT-Đồng Nai) - Theo đánh giá của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thời gian qua, công tác giải quyết án hành chính gặp không ít khó khăn. Số vụ án phải giải quyết tăng cao theo từng năm, tình tiết vụ án ngày càng phức tạp, trong khi biên chế còn mỏng.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải quyết án hành chính chưa cao do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do việc thu thập chứng cứ khó khăn bởi các cơ quan chức năng chậm cung cấp thông tin, không trực tiếp tham gia tố tụng…

Một phiên tòa xét xử án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh.
Một phiên tòa xét xử án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh.
Khó giải quyết án hành chính
Trong đó, nổi lên các vụ khiếu kiện hành chính chủ yếu liên quan đến đất đai. Một trong những lý do là bởi thời gian qua tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia nên việc thu hồi đất đai cũng diễn ra phức tạp.
Tính từ tháng 10-2023 đến 10- 2024, TAND 2 cấp Đồng Nai đã giải quyết gần 180 vụ/hơn 400 vụ án hành chính đã thụ lý. Trong đó, án thụ lý có hơn 390 vụ thụ lý theo trình tự sơ thẩm và gần 10 vụ theo trình tự phúc thẩm.
Theo Chánh Văn phòng TAND tỉnh, thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, thời gian qua, án hành chính đang tăng dần theo từng năm, nhất là án liên quan đến các quyết định hành chính về đất đai. Trong số gần 400 vụ khiếu kiện hành chính thì có hơn 350 vụ khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy CNQSDĐ; gia hạn thời hạn sử dụng đất (chiếm hơn 88%). Bên cạnh đó, có một số vụ khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng thuế, thu thuế, truy thu thuế.
“Gỡ khó” cho việc giải quyết án hành chính
Cũng theo TAND tỉnh, việc giải quyết án hành chính gặp nhiều khó khăn bởi liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều quy phạm pháp luật khác nhau.
Bên cạnh đó, việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện, như UBND hoặc các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn; việc trả lời thông báo thụ lý vụ án của TAND và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án rất chậm. Thậm chí, có nhiều vụ án đã lâu nhưng người bị kiện vẫn chưa có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện và chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan cho tòa án. Mặc khác, người bị kiện thường ít khi trực tiếp tham gia tố tụng, không trả lời ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện nên tòa án thường khó tiến hành đối thoại…
Để “gỡ khó” trong việc giải quyết các loại án nói chung và án hành chính nói riêng, ngành tòa án sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn TAND các cấp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký, hội thẩm nhân dân… để thực hiện tốt công tác chuyên môn; kiến nghị, đề xuất khắc phục những thiếu sót trong quản lý, kinh tế - xã hội, góp phần hạn chế những khó khăn do yếu tố đặc thù địa phương.
Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tòa án 2 cấp phải xem công tác giải quyết vụ việc là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các thẩm phán, thư ký được giao giải quyết vụ án; nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, thư ký trong từng vụ án cụ thể. Mặc khác, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn khác như: Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thẩm định, định giá, giám định… để thu thập chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án.