(CTT-Đồng Nai) - Ngoài việc góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) còn giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Vì vậy, thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp gắn với tài nguyên bản địa góp phần thực hiện Chương trình OCOP.

Hội viên, phụ nữ được tập huấn về khởi nghiệp
Hội viên, phụ nữ được tập huấn về khởi nghiệp
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP và các quy định pháp luật chứng nhận sản phẩm OCOP; vai trò của Hội LHPN, hội viên phụ nữ trong tham gia Chương trình OCOP; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ tham gia chương trình OCOP. Giới thiệu nhiều gương phụ nữ khởi nghiệp thành công tiêu biểu với sản phẩm OCOP; nghiên cứu biên soạn nhiều tài liệu để nâng cao kiến thức cho phụ nữ về Chương trình OCOP và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực về Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, hội viên phụ nữ và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Các kiến thức tập huấn thường xuyên được cập nhật mới, áp dụng cụ thể vào thực tiễn công việc. Trong hơn 4 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 01 Hội nghị trực tuyến, 34 lớp tập huấn cho 3.040 cán bộ, hội viên phụ nữ và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ tại các huyện, thành phố.
Từ năm 2019, hàng năm Hội LHPN tỉnh đều tổ chức cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai. Qua 5 năm tổ chức, Hội đã nhận được với hơn 328 dự án tham gia dự thi. Từ cuộc thi của tỉnh đã giới thiệu và hỗ trợ 38 dự án tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương LHPN Việt Nam tổ chức hàng năm.
Để hỗ trợ chị em có nguồn vốn khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, trong hơn 5 năm qua, từ nhiều nguồn khác nhau các cấp Hội đã hỗ trợ vốn 3.253 phụ nữ khởi nghiệp, với tổng số tiền trên 114 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, hàng năm Hội LHPN tỉnh đều tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Hội còn thường xuyên giới thiệu và hỗ trợ các chủ thể là nữ có sản phẩm OCOP tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các chương trình, hoạt động do Hội và sở, ban, ngành tổ chức. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm sản phẩm OCOP và các sản phẩm có chứng nhận về chất lượng do chị em sản xuất. Hoạt động đã giúp các chị em có cơ hội được giao lưu, kết nối, học hỏi lẫn nhau và có thêm động lực để chị em vững tin trên con đường khởi nghiệp.

Hội viên, phụ nữ có sản phẩm khởi nghiệp được hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức
Hội viên, phụ nữ có sản phẩm khởi nghiệp được hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức
Phát huy tính chủ động, sáng tạo của phụ nữ
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, để tiếp tục phát triển phong trào phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong đó có khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, Hội LHPN tỉnh đã đề ra những việc cần tập trung trong thời gian tới. Đó là nâng cao nhận thức cho phụ nữ về Chương trình OCOP.
Trong đó tập trung phát triển kinh tế nông thôn và phát triển du lịch nông thôn, nhằm phát triển kinh tế theo hướng đa giá trị để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Đẩy mạnh hoạt động tập huấn, hướng dẫn phụ nữ nông thôn để nâng cao năng lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của phụ nữ và cộng đồng để phát triển các nhóm sản phẩm OCOP. Đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên bản địa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và người thân.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn để xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương.
Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng cho phụ nữ, lao động nữ nông thôn, đặc biệt là về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường.
Phát huy thế mạnh của Hội Liên hiệp Phụ nữ để hình thành các diễn đàn kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, gắn với vai trò của phụ nữ tại các địa điểm du lịch, các hoạt động văn hóa nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu…