Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Thứ năm - 05/12/2024 15:55
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Ngày 5-12, Ban Công tác phía Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Tọa đàm kết nối trực tuyến đến 20 tỉnh, thành phố phía Nam với hơn 400 đại biểu tham dự.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Thái trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Thái trình bày tham luận tại buổi tọa đàm

Trong buổi toạ đàm, các đại biểu đã được xem phóng sự về kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ, kết nối phụ nữ khởi nghiệp ở khu vực phía Nam giai đoạn 2017 - 2023; đồng thời nghe các tham luận chia sẻ những kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN các tỉnh, thành phố.

Nhiều kết quả…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trưởng Ban Công tác phía Nam - Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Huyền Thanh cho biết việc tổ chức tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn; đồng thời, làm cơ sở tham mưu cho Hội LHPN Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2025 - 2030.

Theo báo cáo tại tọa đàm, từ năm 2018 - 2023, Hội LHPN 21 tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức 82 cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh với các chủ đề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đã thu hút 5.433 ý tưởng, dự án tham gia. Trong đó có 568 ý tưởng xuất sắc, khả thi được trao giải và hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Có 9/21 tỉnh, thành phố tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện, thu hút 4.572 dự án, ý tưởng tham gia.

Trong 5 năm đã có 985 lớp đào tạo được mở, tập huấn kiến thức cho 10.005 ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp thu hút 38.925 phụ nữ tham gia. Nội dung đào tạo tập trung vào hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng, quản lý tài chính, kiến thức khởi nghiệp, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm... Đã có 30.239 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, trong đó một số phụ nữ khởi nghiệp thành công ngày càng hoàn thiện sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, bước đầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế 8.
Phụ nữ Đồng Nai giới thiệu các sản phẩm trong dự án khởi nghiệp năm 2024
Phụ nữ Đồng Nai giới thiệu các sản phẩm trong dự án khởi nghiệp năm 2024

Phụ nữ Đồng Nai nỗ lực khởi nghiệp

Tại điểm Đồng Nai, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái trình bày tham luận: Phát huy vai trò của các cấp Hội trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp gắn với tài nguyên bản địa góp phần thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 241 sản phẩm OCOP, trong đó, có 195 sản phẩm OCOP 3 sao, 46 sản phẩm OCOP 4 sao. Có 44/134 chủ thể là phụ nữ (chiếm 32,8%) và có 91/241 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP (chiếm 37,7%).

Điều này cho thấy chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia tích cực của phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn khởi nghiệp với sản phẩm OCOP. Qua đó, phát huy tài nguyên thiên nhiên bản địa, tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa, làng nghề và dịch vụ khu vực nông thôn.

Để đẩy mạnh phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa gắn với chương trình OCOP trong thời gian tới, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tập trung nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chương trình OCOP, trong đó tập trung phát triển kinh tế nông thôn và phát triển du lịch nông thôn, nhằm phát triển kinh tế theo hướng đa giá trị để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh và tăng cường hoạt động tập huấn, hướng dẫn phụ nữ nông thôn để nâng cao năng lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của phụ nữ và cộng đồng để phát triển các nhóm sản phẩm OCOP. Đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên bản địa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và người thân. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng cho phụ nữ, lao động nữ nông thôn, đặc biệt là về tổ chức sản xuất.

“Bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để có những bước phát triển mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra thời cơ mới cho phát triển. Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp được Hội xác định là việc làm cần sự bền bỉ, lâu dài. Quá trình khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa để tạo ra các sản phẩm OCOP của phụ nữ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Để đi đến thành công, bản thân phụ nữ cần không ngừng nỗ lực, kiên trì, chủ động khắc phục, vượt qua những khó khăn” - bà Lê Thị Thái nhấn mạnh.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây