Hành trình bảo vệ và phát triển “lá phổi xanh” của Đồng Nai

Thứ năm - 28/11/2024 15:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) bước vào tuổi 20 (2004-2024) với niềm tự hào, là “kho báu” của người dân Đồng Nai mà còn là “lá phổi xanh” của cả vùng Đông Nam bộ.
Cánh rừng bạt ngàn tại Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai
Cánh rừng bạt ngàn tại Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai

Trong suốt chặng đường 20 năm ấy, trải qua muôn vàn khó khăn, các thế hệ lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo Khu bảo tồn đã quyết tâm gìn giữ, phát triển và khai thác hiệu quả, bền vững những giá trị của Khu bảo tồn, dựa trên tài nguyên về sự đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và lịch sử hào hùng của vùng đất chiến khu. Khu bảo tồn hiện đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững “ngôi nhà thiên nhiên-văn hóa” của Đồng Nai.

Năm 1995, để phát huy những giá trị của rừng theo hướng bền vững, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã đưa ra quyết sách “đóng cửa rừng”, tập trung vào bảo vệ và phát triển những diện tích rừng còn lại. Đến năm 1997, Đồng Nai đã chính thức thực hiện triệt để việc “đóng cửa rừng”. Sau một thời gian dài rừng được bảo vệ và phát triển, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu và chứng minh, vùng rừng phía Bắc tỉnh Đồng Nai với diện tích trên 100 ngàn hécta có giá trị đa dạng sinh học rất lớn và có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của vùng Đông Nam Bộ.

Để tiếp tục bảo vệ những thành quả đã đạt được, năm 2004, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai được thành lập với chức năng gìn giữ nguyên vẹn diện tích rừng hiện hữu; khôi phục, bảo vệ và tiếp tục làm giàu rừng, đồng thời phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, sự đa dạng sinh học, bảo đảm chiến lược phát triển bền vững kinh tế và bảo vệ môi trường của Đồng Nai và cả vùng Đông Nam Bộ. 20 năm qua, đối với Khu bảo tồn đó không chỉ là một con số, mà còn là một hành trình dài đầy nhiệt huyết, gắn bó, và sự hy sinh, nỗ lực không ngừng nghỉ. Là những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay bảo vệ và phát triển Khu Bảo tồn hôm nay.

Khi chính sách “đóng cửa rừng” được thực thi, toàn bộ các lâm trường ngưng khai thác, chuyển sang nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Khi đó, Đồng Nai là tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, và đó là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn. Theo thời gian, Khu Bảo tồn hiện nay được đánh giá là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ, đóng góp quan trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế và bảo vệ môi trường của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Những nỗ lực đó của Khu Bảo tồn đã được các tổ chức trong nước và Quốc tế đánh giá cao như là mô hình mẫu trong công tác bảo tồn thiên nhiên – văn hóa. Kết quả trên được đánh dấu bằng sự kiện UNESCO công nhận Khu bảo tồn là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào ngày 29-6-2011, với tên gọi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Hồ Trị An đóng một vai trò quan trọng về nguồn nước cho Khu bảo tồn
Hồ Trị An đóng một vai trò quan trọng về nguồn nước cho Khu bảo tồn

Theo đánh giá của các nhà khoa học, Khu bảo tồn có hệ sinh thái rừng đa dạng với 5 kiểu rừng gồm: Rừng lá rộng thường xanh; rừng thường xanh nửa rụng lá; rừng hỗn giao gỗ - tre nứa; rừng tre, nứa thuần loài và hệ sinh thái đất ngập nước. Điều đặc biệt của Khu bảo tồn hiện nay là sự đa dạng sinh học gắn với bản sắc văn hóa cộng đồng địa phương, trong đó bao gồm các giá trị về văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc.

Kết quả nổi bật là Khu bảo tồn đã thực hiện tốt nhiệm vụ cải tạo rừng trồng sản xuất thành rừng đặc dụng; phục hồi các loại cây bản địa; bảo tồn nguồn động vật hoang dã. Cụ thể, độ che phủ rừng từ thảm thực vật thân gỗ tăng 7% so với 20 năm trước. Hàng trăm hécta rừng trồng mới cùng hàng ngàn hécta rừng được chăm sóc và khoanh nuôi, nuôi dưỡng trong suốt 20 năm qua. Sự đa dạng sinh học cũng có sự thay đổi đáng kể với sự gia tăng hàng trăm ngàn cây gỗ lớn bản địa có đường kính từ 40cm trở lên. Các loài động, thực vật ngày càng đa dạng về loài và tăng về số lượng. Đặc biệt, sự gia tăng hệ thủy sinh khu vực hồ Trị An là cơ sở chứng minh nguồn nước phục vụ đời sống người dân 3 tỉnh, thành lớn nhất Đông Nam Bộ bảo đảm sự an toàn.

Những năm qua, Khu bảo tồn đã thực hiện tốt các chính sách bảo tồn; gìn giữ, bảo vệ môi trường với các cơ chế bảo vệ và quản lý các loài động vật, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm. Trong đó, việc phát triển kinh tế xã hội luôn phải bảo đảm an sinh cho cộng đồng.

Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, trong quá trình hoạt động, Khu bảo tồn cũng còn nhiều thách thức phải vượt qua, cụ thể là tình trạng biến đối khí hậu là thách lớn đối với Khu Bảo tồn trong công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng nhất là công tác phòng cháy chữa cháy rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học…Sự phát triển kinh tế xã hội sẽ luôn gắn liền với áp lực về ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học, đây sẽ là những thách thức lớn đối với Khu bảo tồn trong việc bảo vệ môi trường rừng, hồ, nhất là các vấn đề về chất thải nhựa, nguồn thải hoạt động sản xuất sản xuất nông nghiệp của người dân, cùng những vấn đề khó khăn khác như: nguồn nhân lực, hệ thống thông tin, dữ liệu còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển như hiện nay.
Định hướng phát triển Du lịch sinh thái theo hướng bền vững
Định hướng phát triển Du lịch sinh thái theo hướng bền vững

Với chức năng nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai giao, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, Khu bảo tồn đã chủ động xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo tồn có hiệu quả và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Cuối năm 2023, Khu bảo tồn được UBND tỉnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn đến năm 2030. Theo đề án, 37 tuyến du lịch trong và ngoài Khu Bảo tồn được kết nối, 51 dự án đầu tư theo hình thức tự tổ chức, liên doanh liên kết, hoặc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Khu Bảo tồn và các nhà đầu tư triển khai các dự án kinh doanh du lịch sinh thái.

Ngay khi quyết định ban hành Khu Bảo tồn đã chủ động tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án du lịch. Một tín hiệu mừng là kết quả đạt được đến nay đã có 12 nhà đầu tư xin thuê môi trường rừng tại Khu Bảo tồn đạt điểm qua vòng xét chọn hồ sơ dự thầu.

Với mục tiêu định hướng phát triển Du lịch sinh thái theo hướng bền vững chính là "bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hóa, bảo vệ tương lai". Vì vậy, Khu Bảo tồn đang từng bước xây dựng du lịch sinh thái theo hướng chuyên nghiệp, đúng qui định của pháp luật.

Tác giả: Nam Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây