(CTT-Đồng Nai) - Tỉnh Đồng Nai hiện có 15 cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng trên 1,4 ngàn người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ mồ côi và khuyết tật, người khuyết tật thuộc nhiều dạng tật…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (giữa) trao đổi cùng quản lý của Cơ sở Bảo trợ xã hội nhân ái Bạch Lâm (huyện Thống Nhất).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (giữa) trao đổi cùng quản lý của Cơ sở Bảo trợ xã hội nhân ái Bạch Lâm (huyện Thống Nhất).
Trong đó, ngoài Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, 14 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập hoạt động theo hình thức đóng góp từ mạnh thường quân, cơ sở tôn giáo.
Hơn 1 tỷ đồng đến với các cơ sở bảo trợ xã hội
Gần 3 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu Biên Hòa, Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa đã duy trì đều đặn việc thăm, tặng quà các cơ sở bảo trợ xã hội định kỳ mỗi quý/lần.
Nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) cho hay, cơ sở đang chăm sóc 120 người cao tuổi. Thời gian qua, sự quan tâm của chính quyền các cấp, mạnh thường quân, trong đó có Chương trình Phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2022-2024, do Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu Biên Hòa và Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện đã góp phần động viên các sơ làm nhiệm vụ ở cơ sở và những người được chăm sóc. Mỗi khi đón đoàn đến thăm và cùng trò chuyện về công việc của mình, tập thể cơ sở rất vui vì sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng trong việc giúp người yếu thế mà mình đang thực hiện.
Còn theo Đại đức Thích Chiếu Bổn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ), trung tâm đang nuôi dưỡng 230 trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật. Chi phí cho hoạt động mỗi tháng tại đây dao động từ 500-600 triệu đồng, ngoài ra còn những khoản phát sinh khi có trẻ hay người cao tuổi đi bệnh viện. Để vượt qua những khó khăn đó, trung tâm đã đón nhận được sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, trong đó có Chương trình Phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2022-2024. Trung tâm trân trọng sự quan tâm này và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục được hỗ trợ để cùng chung tay lo cho người kém may mắn.
Thời gian qua, định kỳ hàng quý, các bên tiến hành hỗ trợ 2 cơ sở bảo trợ xã hội với mỗi nơi 20 triệu đồng, 600kg gạo, 50 thùng mì, 20 thùng sữa tươi và hàng chục kg trái cây.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Cơ sở Trợ giúp xã hội Hòa Hảo (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch), cho hay Chương trình Phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2022-2024 đã vượt qua giá trị về vật chất để tiếp thêm sự động viên về tinh thần cho những người đang đảm nhận chăm sóc người yếu thế.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang thăm hỏi người cao tuổi đang được chăm sóc tại Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang thăm hỏi người cao tuổi đang được chăm sóc tại Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom).
Tìm giải pháp mở rộng trợ giúp
Để tiếp tục duy trì và mở rộng trợ giúp cho các cơ sở bảo trợ xã hội, các đơn vị thực hiện Chương trình Phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2022-2024, đang nỗ lực đề ra chương trình trợ giúp trong giai đoạn tới.
Bởi theo đại diện cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập thì việc duy trì hoạt động là điều không hề đơn giản. Ông Phạm Văn Ngữ, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội nhân ái Bạch Lâm (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất), chia sẻ cơ sở đang nuôi dưỡng, chăm sóc 130 người cao tuổi và 8 trẻ em. Những năm gần đây, để duy trì hoạt động, cơ sở phải nỗ lực rất nhiều để cùng lo việc chung. Những năm gần đây, nhất là từ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân dành cho những địa chỉ này giảm đi rất nhiều. Do vậy, ngoài nỗ lực làm sao đưa tình thương đến với những hoàn cảnh kém may mắn thì đảm bảo việc ăn mặc, việc học… cho những đối tượng này cũng là gánh nặng rất lớn đối với những người quản lý ở mỗi cơ sở bảo trợ xã hội.
Theo Quyền Trưởng ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu Biên Hòa Huỳnh Hữu Nghĩa, bà con người Hoa mong muốn được kết hợp cùng chính quyền địa phương, hệ thống Mặt trận trong hoạt động an sinh xã hội. Trong thời gian tới, đồng bào dân tộc Hoa sẽ tiếp tục đóng góp để thực hiện có hiệu quả Chương trình Phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Còn theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, thời gian tới, các bên liên quan sẽ đảm bảo nguồn lực trao đến đúng đối tượng, đến đúng nơi cần trợ giúp góp phần tạo niềm tin từ những cá nhân, tập thể tham gia ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình cũng như người thụ hưởng.