Đồng Nai : Cổng thông tin điện tửhttps://dongnai.gov.vn/uploads/binhphuoc/logo_4.png
Thứ sáu - 25/07/2025 10:27
Xem với cỡ chữ
(CTT-Đồng Nai) - Tự chủ về nguyên liệu cho sản xuất là yếu tố rất quan trọng đối với doanh nghiệp (DN), nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, địa chính trị toàn cầu có những biến động gây nên các đứt gãy về liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất.
Công ty CP Domilk đang nỗ lực để kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu bò sữa. Ảnh: V.GIA
Những năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang nỗ lực để có thể chủ động xây dựng được nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Song song đó là bài toán nâng cấp sản phẩm, hợp tác quốc tế để hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thế giới. Chủ động về nguyên liệu
Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa) là một trong những đơn vị chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm từ ca cao có quy mô lớn của Việt Nam. DN này định hướng phát triển sản xuất theo hình thức chế biến sâu các sản phẩm từ ca cao. Sản phẩm từ ca cao của công ty khá đa dạng như: rượu ca cao, chocolate, bột ca cao..., được mở rộng trên nhiều kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. DN cũng hợp tác với đối tác đến từ Nhật Bản để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản và quốc tế.
Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, từ nhiều năm qua công ty đã nỗ lực để xây dựng nguồn cung ứng nguyên liệu ca cao lớn tại các địa phương của Đồng Nai với hàng trăm hécta nhằm tự chủ về nguyên liệu. Ngoài chăm chút cho vùng nguyên liệu tại địa phương, những năm gần đây công ty đã mở rộng đầu tư thêm vùng nguyên liệu ở tỉnh Gia Lai và bước đầu có những kết quả quan trọng.
Khi DN tự chủ được nguồn nguyên, vật liệu sẽ sản xuất ra được sản phẩm hoàn chỉnh, hay cung cấp sản phẩm phục vụ đầu vào của các đơn vị khác thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ nâng cao hơn.
Theo ông Khanh, giá ca cao những năm gần đây tăng cao, thu hút sự chú ý lớn từ các bên liên quan. Đối với công ty, việc mở rộng vùng nguyên liệu gắn liền với chiến lược phát triển bền vững, dài hạn chứ không chạy theo giá thị trường. DN sẽ tiếp tục nỗ lực để có vùng nguyên liệu chất lượng, chủ động cho sản xuất, kinh doanh và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Tương tự, vài năm gần đây, Công ty CP Domilk (nhà máy sản xuất tại xã Long Thành) đang tích cực đầu tư vào các sản phẩm mang tính chất định vị địa phương. Ngoài các loại mẫu mã bánh, kẹo sữa thương hiệu của mình hiện có thị trường tiêu thụ khắp cả nước, thì Domilk đang tăng cường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên nghiên cứu và phát triển sản phẩm kết hợp đặc sản địa phương như: măng cụt, bưởi Tân Triều, đậu phộng Tân Lập... Domilk cũng đã hợp tác để in những hình ảnh tiêu biểu về vùng đất, con người và kinh tế Đồng Nai trên mỗi sản phẩm của mình.
Trong kế hoạch dài hạn, Domilk hướng tới là DN sản xuất thực phẩm có quy mô lớn của địa phương nên đang chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu sữa cho chế biến. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Giám đốc Công ty CP Domilk, DN đang khảo sát, lên kế hoạch để kết hợp với người nông dân, địa phương xã Xuân Phú nhằm tạo dựng khu vực này thành nơi cung ứng nguồn sữa bò chất lượng cho DN. Khi nguồn cung nông hộ suy giảm, nguồn cung từ các vùng bò sữa lớn trong nước khác khan hiếm thì việc tự chủ nguyên liệu tại địa phương là rất quan trọng. Nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới
Với Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, là đơn vị lớn nhất của ngành cao su, thì tổng công ty đã triển khai hàng loạt giải pháp kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác, chế biến. Ngoài Đồng Nai, đơn vị còn đầu tư và phát triển cao su tại tỉnh Lâm Đồng và các nước Lào, Campuchia. Hiện đơn vị có 39,1 ngàn hécta diện tích nguyên liệu; 10 nông trường cao su, 3 nhà máy chế biến với tổng công suất 49 ngàn tấn/năm; 7 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực từ trồng trọt, chế biến cao su, chế biến gỗ đến đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Ông Võ Quang Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, giới thiệu về ngành gỗ Đồng Nai với đối tác quốc tế.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai (trụ sở tại phường Xuân Lập), bên cạnh chủ động nguyên liệu cho sản xuất, tổng công ty tập trung công tác chế biến sâu, phát triển các sản phẩm tinh chế, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Liên tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, từng bước làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng, quảng bá mạnh mẽ thương hiệu DONARUCO trên thị trường quốc tế.
Ông Võ Quang Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), nhận định Đồng Nai là địa phương có quy mô lớn thứ 2 cả nước về sản xuất, xuất khẩu gỗ, việc các DN nỗ lực để đáp ứng những tiêu chuẩn thế giới là rất quan trọng. Thời gian qua, Dowa đã nỗ lực kết nối với nhiều tổ chức quốc tế, trong nước mở các lớp tập huấn, đào tạo cho DN thành viên để nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng tăng cường liên kết với người trồng rừng, các công ty nông, lâm nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng tiêu chuẩn chống phá rừng và các tiêu chuẩn khác từ những thị trường khó tính.