Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sởi lây lan

(CTT-Đồng Nai) - Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 11 ca mắc bệnh sởi, tăng 11 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Theo điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, hầu hết các ca bệnh sởi đều chưa được tiêm vaccine có thành phần sởi.
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Đồng Nai-2
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Đồng Nai-2

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Phải kể đến như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến gián đoạn việc tiêm chủng nói chung và vaccine phòng bệnh sởi nói riêng. Ngoài ra, một số gia đình chưa thực sự quan tâm và tiêm đầy đủ các loại vaccine, tiêm đủ liều cho trẻ nhỏ.

BS CKII Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus sởi gây ra, lây theo đường hô hấp, có tốc độ lây lan nhanh và có khả năng bùng phát thành dịch lớn, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh. Những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Miễn dịch chỉ có được sau khi đã tiêm vaccine hoặc đã từng mắc bệnh.

Các triệu chứng của người mắc bệnh sởi là sốt cao, viêm đường hô hấp, phát ban. Thông thường, khi bệnh nhân có dấu hiệu phát ban sẽ hết sốt cao nhưng nếu bệnh nhân phát ban nhưng vẫn còn sốt cao cho thấy đây là dấu hiệu trở nặng, cần phải điều trị sớm, tích cực. Bệnh sởi có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm não, thậm chí tử vong.

Căn cứ vào công cụ đánh giá nguy cơ dịch sởi của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Tổ chức y tế thế giới, Đồng Nai là tỉnh có nguy cơ rất cao xảy ra dịch bệnh sởi trong thời gian tới. Do vậy, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống và đáp ứng với bệnh sởi trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sẽ tiến hành chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho 7 địa phương có đánh giá nguy cơ dịch bệnh sởi cao và rất cao gồm: Xuân Lộc, Tân Phú, Nhơn trạch, Biên Hòa, Long Thành, Định Quán, Vĩnh Cửu. Dự kiến, có hơn 174,4 ngàn trẻ em từ 9 tháng tuổi đến 5 tuổi tại 7 địa phương nói trên được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Ngoài ra, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho hơn 9 ngàn trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi tại 4 địa phương còn lại gồm: Long Khánh, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Thống Nhất.

BS CKI Phan Văn Phúc - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Do vậy, những gia đình có trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ các mũi theo khuyến cáo cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm ngay. Qua đó, hạn chế tối đa số ca mắc bệnh sởi và ngăn ngừa bệnh sởi lây lan thành dịch trên diện rộng.
Rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa bệnh sởi
Rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa bệnh sởi
Bảo Ngọc

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang