(CTT-Đồng Nai) Xơ vữa động mạch là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh xơ vữa động mạch từ giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng bởi bệnh thường diễn biến âm thầm khiến nhiều người đứng trước nguy cơ bệnh nặng thậm chí là tử vong.

Bệnh nhân đến khám tầm soát xơ vữa động mạch tại Bệnh viện Đồng Nai-2
Bệnh nhân đến khám tầm soát xơ vữa động mạch tại Bệnh viện Đồng Nai-2
Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này hầu như không có biểu hiện cho đến khi trở nặng.
Bệnh xơ vữa động mạch không còn là “bệnh của người già”
Xơ vữa động mạch là hiện tượng thành của động mạch bị xơ cứng làm cho lòng động mạch hẹp lại, gây nên hiện tượng thiếu máu cục bộ, có nơi lòng động mạch bị xơ vữa bong ra gây tắc mạch cục bộ. Xơ vữa động mạch có thể bắt đầu diễn ra từ khi chúng ta sinh ra, qua thời gian sống, các mảng xơ vữa dày lên gây ra nhiều hệ lụy như: ngăn cản lưu thông máu, tạo huyết khối và dẫn đến các bệnh nguy hiểm.
Tuỳ theo vị trí của các mảng xơ vữa (động mạch vành, động mạch cảnh và động mạch ngoại biên) mà bệnh gây nên những hậu quả khác nhau: phải cắt cụt chi, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Mới đây, Bệnh viện Đồng Nai 2 đã tổ chức chương trình tầm soát xơ vữa động mạch. Trong 2 ngày diễn ra chương trình, có hơn 100 lượt bệnh nhân đến khám. Đối tượng thăm khám và được chỉ định các cận lâm sàng để phát hiện sớm xơ vữa động mạch đa phần là người cao tuổi, người có bệnh nền và có một số yếu tố nguy cơ cao như: hút thuốc lá, hút thuốc thụ động, lạm dụng rượu bia hoặc người béo phì và những người làm các công việc ít vận động.
Từ tỉnh Lâm Đồng đến Đồng Nai thăm con, bà Hoàng Thị Thao đã tham gia khám tầm soát xơ vữa động mạch khi biết Bệnh viện Đồng Nai-2 có chương trình khám bệnh này. Bà cho rằng bác sĩ chỉ định cho xét nghiệm máu và làm các xét nghiệm khác nhằm phát hiện sớm xơ vữa động mạch là tốt cho những người bệnh lớn tuổi như bà.
Ông Nguyễn Văn Số (P.Tam Hòa, TP. Biên Hòa), một bệnh nhân được tầm soát trong chương trình, chia sẻ: “Tôi bị cao huyết áp khoảng 30 năm rồi, cũng đã từng bị tai biến, đột quỵ. Tôi có đi siêu âm động mạch cảnh thì có mảng xơ vữa…”
Theo thống kê, có hơn 50% bệnh nhân trên 40 tuổi bị xơ vữa động mạch từ trung bình đến nặng. Trước đây, xơ vữa động mạch vẫn được xem là căn bệnh của người già nhưng ngày nay căn bệnh này đang có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Với các bệnh nhân nguy cơ hoặc có bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch thì tỷ lệ tử vong do xơ vữa động mạch tăng thêm từ 10 đến 50%.
Cũng theo công bố của ngành y tế, ngày càng nhiều người trẻ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Theo đó, có đến 4-10% bệnh nhân nhồi máu cơ tim (một biến chứng cấp tính của bệnh vữa xơ động mạch) có tuổi đời dưới 45 tuổi và phần lớn là nam giới đang khỏe mạnh. Điều này là do một số nguyên nhân, bao gồm tỷ lệ béo phì đang gia tăng, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạch, hút thuốc lá... Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, những đứa trẻ sinh non, sinh thiếu cân cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch từ rất sớm.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân khám tầm soát xơ vữa động mạch tại Bệnh viện Đồng Nai-2
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân khám tầm soát xơ vữa động mạch tại Bệnh viện Đồng Nai-2
Phòng ngừa xơ vữa động mạch
Việc tầm soát xơ vữa động mạch sẽ góp phần giúp chúng ta tránh được các bệnh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Đánh giá tình trạng xơ vữa mạch máu bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp người bệnh tầm soát, phát hiện sớm bệnh và mức độ mảng xơ vữa. Từ đó, người bệnh sẽ được lên phác đồ điều trị cụ thể theo từng cá nhân và tình trạng bệnh.
BS Tạ Đức Luân, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Đồng Nai-2 cho biết: “Khi tầm soát, ngoài được khai thác tiền sử bệnh, đo huyết áp, khám tim mạch thì bệnh nhân còn được thực hiện các xét nghiệm từ cơ bản như: công thức máu, chức năng gan thận, đường huyết, X-Quang hoặc thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về tim mạch như: điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim, mạch máu hoặc động mạch cảnh, động mạch chi dưới, xét nghiệm chuyên sâu cao hơn, chụp CT, chụp mạch máu xóa nền cho các trường hợp đặc biệt”.
Cũng theo BS Tạ Đức Luân, tùy vào kết quả tầm soát mà BS sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể. Theo đó, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa thay đổi lối sống, kiểm soát bệnh lý nền hoặc dùng thuốc ổn định xơ vữa, chống huyết khối; nếu xơ vữa nặng thì can thiệp ngoại khoa như đặt stent và phẫu thuật…
Để phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch, theo các chuyên gia, chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố vô cùng quan trọng. Theo đó, người dân cần có chế độ ăn nhiều rau củ quả, những thực phẩm giàu chất xơ, giảm muối, không uống rượu bia; hạn chế ăn mỡ động vật như: mỡ heo, mỡ bò, mỡ gà mà thay thế vào đó là dùng dầu thực vật như dầu đậu phộng, dầu mè…
Người bệnh cũng cần tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn mỗi ngày từ 30-60 phút, kiểm soát cân nặng,bỏ hút thuốc lá, hạn chế các căng thẳng, stress…
Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp nhằm làm giảm cholesterol mà không đạt kết quả thì phải dùng thuốc. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải có chỉ định của các bác sĩ chứ không nên tự động mua thuốc để dùng, tránh “lợi bất cập hại”.