Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nghệ sĩ trẻ với đề tài thương binh, liệt sĩ

Tiếp nối các thế hệ đi trước, nhiều người viết trẻ ở Đồng Nai đã và đang tích cực sáng tác những tác phẩm viết về thương binh - liệt sĩ, những người con đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Trong đó, nổi bật có tác giả Hạnh Vân, Hiếu Anh, Lê Nguyễn Hà Ngọc, Lê Ngọc Xuân Quỳnh…

Tác phẩm múa đôi Nỗi đau của chúng tôi do nghệ sĩ trẻ Huỳnh Thanh Tùng và Hoàng Anh biểu diễn
Tác phẩm múa đôi Nỗi đau của chúng tôi do nghệ sĩ trẻ Huỳnh Thanh Tùng và Hoàng Anh biểu diễn

Xúc động câu chuyện thương binh, liệt sĩ

Là giáo viên dạy môn Lịch sử, những sáng tác của Hạnh Vân xuất hiện rất tự nhiên, mộc mạc mà giản dị. Nhiều bài thơ thể hiện tấm lòng biết ơn, tri ân của người trẻ đối với các thế hệ cha ông, những anh hùng liệt sĩ: “Con lớn lên giữa bình yên/ cái ác liệt của chiến tranh con chỉ biết qua sách vở” (Ngày hạnh ngộ đầu xuân). Hay trong Lời mẹ dặn: “Bom đạn xóa biết bao lời hẹn ước/ lửa khói chiến tranh phủ kín lối về/ cha ở lại một mùa hè rực lửa…/ cha mãi trẻ trung ánh mắt nụ cười/ di ảnh nét chênh/ con đừng e ngại/ tuổi mẹ cha cùng gửi sắc xuân con”.

Có dịp trở về Chiến khu Đ, tác giả Lê Nguyễn Hà Ngọc không khỏi bồi hồi, xúc động: “Một nén hương thơm - một tấm tình/ Hương hồn liệt sĩ có anh linh?/ Một thời trai trẻ đi giữ nước/ Sống đẹp cho đời, chết vinh quang” (Về chiến khu). Tác giả Lê Ngọc Xuân Quỳnh viết về cuộc đời những người mẹ bám làng, bám đồng ruộng, lam lũ nuôi con. Trưởng thành, các con của mẹ lên đường đi chiến đấu, hy sinh thân mình để bảo vệ độc lập cho Tổ quốc: “Độc lập rồi, mẹ có vui không?/ Khi máu xương con thấm vào lòng đất/ Con ra đi để lại nỗi buồn đó/ Người đầu bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh” (Nỗi lòng mẹ).

Rừng xanh nhớ mãi tên người là ghi chép của tác giả trẻ Vũ Thùy Linh. Chị cho rằng: “Những công dân thế hệ 8x, 9x ngày nay có mấy người thấu hiểu sự mất mát, hy sinh của biết bao lớp cha ông đi trước để đổi lấy cơm no, áo ấm. Có mấy ai thấm nhuần lịch sử dân tộc đủ để yêu quý, tự hào về đất Đồng Nai “địa linh nhân kiệt” vang bóng một thời. Chính nơi đây đã sản sinh những anh hùng có tên, không tên của dân tộc. Họ trưởng thành, trở thành anh hùng với những chiến tích lẫy lừng hoặc đã nằm xuống, ngủ yên trong lòng đất mẹ, nhưng tên tuổi và sự tích anh hùng của họ vĩnh viễn sống mãi trong ký ức của nhân dân địa phương và đồng bào cả nước”.

Trên lĩnh vực âm nhạc, những ca khúc viết về đề tài thương binh - liệt sĩ ở Đồng Nai hầu như rất ít. Phần lớn các ca khúc biểu diễn trong những chương trình nghệ thuật đều sử dụng của những nhạc sĩ có tên tuổi như Phạm Minh Tuấn, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng, Thuận Yến… Những câu chuyện lịch sử, những bài hát về thương binh - liệt sĩ được nối dài với người trẻ hôm nay. Qua âm nhạc, nghệ sĩ của Đồng Nai đã và đang lan tỏa truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, ca ngợi tinh thần chiến đấu, những tấm gương anh dũng hy sinh. Đây sẽ mãi là nguồn cảm hứng để họ tiếp tục sáng tạo thêm những tác phẩm nghệ thuật.

Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn ca khúc tri ân thương binh liệt sĩ, lan tỏa truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm
Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn ca khúc tri ân thương binh liệt sĩ, lan tỏa truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo các tác giả trẻ Đồng Nai, những sáng tác hiện nay của họ về đề tài người lính, thương binh, liệt sĩ chủ yếu tập trung vào những gì đang diễn ra trong xã hội đương đại. Đó là câu chuyện của những thương binh trở về sau chiến tranh mưu sinh, nghị lực sống kiên cường; những di chứng sau chiến tranh, những chiến công thầm lặng của các anh hùng liệt sĩ. Đó còn là những chính sách hỗ trợ người có công, quan tâm chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ...

Tác giả Lê Phan Hiếu Anh cho rằng, bản thân anh nói riêng, những người trẻ hôm nay nói chung phần lớn đã được tiếp cận với các nội dung về thương binh, liệt sĩ qua những kiến thức trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, dường như vẫn có một rào cản vô hình giữa người trẻ với mảng đề tài này, đó là họ được sinh ra trong hòa bình, những gì họ tiếp cận chủ yếu là những câu chuyện thông qua sách vở, các tác phẩm VHNT đương thời và từ lời kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô. Nói cách khác, người trẻ thiếu trải nghiệm chân thực về mảng đề tài thương binh, liệt sĩ.
 
“Mặc dù có sáng tác về đề tài này, song tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là việc tìm hiểu tư liệu về lịch sử kỹ lưỡng, cảm và hiểu những câu chuyện của người thương binh hôm nay để đưa cảm xúc vào trong tác phẩm. Tuy khó khăn nhưng với trách nhiệm của một người cầm bút được sinh ra, được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một nền hòa bình mà cha ông mình đã đánh đổi bao nhiêu xương máu mới có được, tôi luôn nỗ lực để có những tác phẩm ca ngợi, tri ân các thương binh - liệt sĩ; kết hợp với những thành tựu để có thể cho ra đời những sáng tác chân thực, sâu sắc, mang tính giáo dục truyền thống và phản ánh đúng hiện thực, hơi thở cuộc sống hiện nay” - tác giả Hiếu Anh bộc bạch.
 
Là mảng đề tài khó bởi thực tế trải nghiệm, vốn sống của người viết trẻ ở Đồng Nai chưa nhiều. Tuy không trải qua chiến tranh, không trực tiếp chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ nhưng qua tư liệu, qua hồi ức của người đi trước, người viết trẻ có điều kiện tiếp cận và mở rộng biên độ sáng tác. Bởi vậy, những câu chuyện về thương binh, liệt sĩ trong sáng tác của họ có nét riêng, mới lạ và ít nhiều không bị khô cứng theo các hình mẫu có sẵn trong VHNT.
Thanh Thanh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang