(CTT-Đồng Nai) - Số hóa là một xu hướng tất yếu trên mọi lĩnh vực trong thời đại công nghệ phát triển nhanh, trong đó có hoạt động của thư viện. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, số hóa hoạt động của thư viện đang gặp những khó khăn về đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực, và đặc biệt là nguồn tài liệu điện tử. Trong đó vấn đề bản quyền nguồn tài liệu được số hóa rất cần được tháo gỡ.
Thư viện Đồng Nai trao tặng mã QR sách địa chí các thành viên câu lạc bộ Người Biên Hòa - Đồng Nai
Thư viện Đồng Nai trao tặng mã QR sách địa chí các thành viên câu lạc bộ Người Biên Hòa - Đồng Nai
Vẫn còn nhiều khó khăn
Nhằm giúp bạn đọc khai thác hiệu quả kho tài nguyên tri thức, nhiều năm qua, Thư viện Đồng Nai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hoàn thiện hệ thống thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây, đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, từ giữa năm 2021, Thư viện Đồng Nai triển khai ứng dụng mã QR đọc tài liệu trên điện thoại di động. Thư viện đã tuyển chọn, đưa vào sử dụng các sách địa chí, tài liệu nội sinh, những sản phẩm thông tin của chính thư viện biên soạn như: thư mục toàn văn bài trích báo - tạp chí địa chí, các bản thư mục.
Hiện Thư viện Đồng Nai đã tạo mã QR cho hàng trăm tài liệu địa chí toàn văn, tài liệu được giới thiệu thông qua các video, các bộ sưu tập ảnh chuyên đề. Gần đây nhất là những bài dự thi đoạt giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc qua các năm bằng hình thức bài viết/mô hình hay các video đều được thư viện quét mã QR giới thiệu trực tuyến… Nhờ vậy, nâng nguồn tài nguyên số của Thư viện Đồng Nai lên 16 ngàn tài liệu, tạp chí, bản đồ số hóa, ebook.
Theo Phó Giám đốc Thư viện Đồng Nai Võ Xuân Lê, việc số hóa tài nguyên thư viện hiện nay chủ yếu tập trung vào các tài liệu địa chí. Với những cuốn sách chưa có bản quyền số hóa, thư viện chưa thực hiện mã QR hoặc chỉ thực hiện số hóa 20% trong tổng số 100% cuốn sách đó.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Minh Chi cho hay: “Thư viện của địa phương chưa thực hiện số hóa các đầu sách do liên quan đến những quy định về bản quyền. Bởi tuân thủ theo các điều luật liên quan tới quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ nên phần lớn các tác phẩm mới ở thư viện chỉ được giới thiệu thông qua việc khai thác, thực hiện các video clip, đăng tải trên trang Facebook chứ chưa ứng dụng được mã QR”.
Tại buổi làm việc ở Đồng Nai vào cuối tháng 3 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Kiều Thúy Nga cho biết, chuyển đổi số là cơ hội để ngành thư viện tăng tốc hiện đại hóa, liên kết, chia sẻ nhằm tạo cộng đồng thư viện lớn mạnh, cùng phát triển. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số, số hóa tài nguyên thư viện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có bài toán về nguồn kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và cả những khó khăn, thách thức từ việc thực thi bản quyền một cách đúng đắn, phù hợp trong hoạt động thư viện.
Cán bộ Thư viện Đồng Nai hướng dẫn bạn đọc quét mã QR sách và tài liệu địa chí nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024
Cán bộ Thư viện Đồng Nai hướng dẫn bạn đọc quét mã QR sách và tài liệu địa chí nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024
Bản quyền trong xuất bản điện tử
Bên cạnh thư viện, câu chuyện bản quyền trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua cũng “nóng” trên các diễn đàn, được các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và cộng đồng quan tâm. Quá trình chuyển đổi số, số hóa phát triển đã khiến sách giả càng ngày càng giống sách thật. Điều này đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức đối với việc bảo vệ bản quyền sách in. Đây cũng là lý do Ngày Sách và bản quyền thế giới năm nay chọn thông điệp: “Tặng sách hay - mua sách thật” nhằm kêu gọi cộng đồng đẩy lùi sách giả, sách lậu.
Để ngăn chặn sách giả, sách lậu, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai Trương Văn Tuấn cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa tác giả, đơn vị xuất bản, phát hành và cơ quan chức năng quản lý xuất bản hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao ý thức của đại bộ phận người dân về tôn trọng bản quyền, để bạn đọc thận trọng khi mua và chọn đúng sách, nói không với sách in lậu, sách giả.
Thực hiện Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên hướng dẫn, tiếp nhận các thắc mắc liên quan đến đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Trong các đợt tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành, sở lồng ghép phổ biến các quy định về quyền tác giả, các quyền liên quan cho cán bộ, công chức văn hóa các xã, phường, thị trấn. Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, hoạt động văn hóa nhằm nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các quyền trên.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, vấn đề vi phạm bản quyền vẫn khó kiểm soát, nhất là với việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách online. Bởi vậy, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền. Từ đó, góp phần đưa sách thật đến với bạn đọc, lan tỏa giá trị tri thức trong cộng đồng.