Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ngưỡng vọng… tiền nhân

Theo chiều dài lịch sử, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã hình thành nên nhiều nét văn hóa đa dạng và độc đáo, đào luyện, hun đúc, sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, danh nhân với những tố chất cao quý và đặc biệt xuất chúng trong các lĩnh vực quân sự, văn hóa - xã hội.

Các em học sinh tham quan, dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên
Các em học sinh tham quan, dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên

Nhiều danh nhân trong cả nước đến với vùng đất “địa linh nhân kiệt” này và đã có nhiều công lao to lớn đặc biệt quan trọng, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất Đồng Nai. Họ là những bậc hiền tài, tỏa sáng, làm rạng danh cho quê hương, mãi là niềm tự hào của dân tộc và bao thế hệ cộng đồng cư dân Đồng Nai.

Những người mở cõi…

Người Việt đặt những bước chân đầu tiên đến đất Nam bộ từ thế kỷ XVII, khi đó vùng đất này thuộc quyền cai trị của vua Chân Lạp Chey Chettha II. Năm 1620, ông trở thành rể của chúa Nguyễn Phúc Nguyên khi cưới con gái thứ hai của chúa Nguyễn là công nữ Ngọc Vạn và phong bà làm hoàng hậu Chân Lạp. Năm 1627, Chey Chettha II qua đời, bà Ngọc Vạn tuy không có con trai với ông nhưng vẫn được phong là Queen Mother và có một vai trò chính trị quan trọng trong hoàng cung đến khoảng năm 1658.

Năm Kỷ Mùi 1679, Trần Thượng Xuyên, một trong 4 tướng nhà Minh thất bại trong cuộc “bài Mãn phục Minh” đem thuyền chạy qua nước ta, được chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép lập nghiệp, sinh sống ở phương Nam. Trần Thượng Xuyên và đoàn tùy tùng của mình đã đi thuyền từ biển ngược vào sông Đồng Nai rồi đặt những bước chân đầu tiên trên vùng đất Bàn Lân, góp phần xây dựng Cù lao phố thành thương cảng sầm uất, giao dịch với thương nhân trong và ngoài nước.

19 năm sau khi Trần Thượng Xuyên đến Nông Nại đại phố, năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, chính thức thiết lập hệ thống hành chính, đưa vùng đất Đồng Nai vào lãnh thổ cai quản của chúa Nguyễn. Ông lập ra 2 đơn vị hành chính đầu tiên ở Nam bộ là H.Phước Long và H.Tân Bình thuộc phủ Gia Định. Đất Bàn Lân và Nông Nại đại phố nằm trong H.Phước Long, sông Đồng Nai vì thế được gọi là Phước Long Giang.

Năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Nguyễn Khánh Đức lập Văn miếu ở thôn Bình Thành - Tân Lại (nay thuộc P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) nhằm khuếch trương Nho học, báo hiệu Đồng Nai không chỉ giỏi làm ăn, buôn bán, còn là xứ sở của văn vật, trọng đạo lý thánh hiền. Gia Định thành thông chí viết: “Văn miếu Trấn Biên được xây dựng tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, H.Phước Chánh”. Đây là Văn miếu đầu tiên ở xứ Đàng Trong.

Các em học sinh trên địa bàn tỉnh tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Văn miếu Trấn Biên
Các em học sinh trên địa bàn tỉnh tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Văn miếu Trấn Biên

Tôn vinh và tri ân công đức

Kể từ khi xây dựng đến nay, Văn miếu Trấn Biên đươc trùng tu nhiều lần. Ở gian giữa Nhà bái đường Văn miếu có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng. Gian bên phải là nơi đặt bài vị và thờ tự danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Gian bên trái là nơi đặt bài vị và thờ tự những danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam bộ xưa. Ngoài thờ phụng tại Nhà bái đường hóa, các danh nhân văn hóa cũng được đặt tượng tại Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên. Đây là công trình được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, khánh thành năm 2015.

Cùng với các bậc tiền nhân, danh nhân văn hóa góp phần làm rạng danh cho vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, lịch sử còn ghi lại những tên đất, tên làng, tên người Đồng Nai khi gắn liền với những chiến tích, sự kiện lịch sử oai hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong đó, phải kể đến Nguyễn Đức Ứng, Trương Định, Đoàn Văn Cự, Huỳnh Văn Nghệ, Dương Tử Giang… Ngoài ra, còn có những gương mặt tiêu biểu xuất hiện trong làng văn thơ, được nhiều người biết đến như: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn…

Tại các di tích thờ phụng tiền nhân và danh nhân văn hóa, đông đảo người dân, nhất là học sinh, sinh viên đến tham quan, dâng hương, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Anh Trương Lê Thành Trung, thuyết minh viên Văn miếu Trấn Biên, cho biết: “Hiện nay, số lượng khách đến tham quan Văn miếu khá đông, không chỉ người trong tỉnh mà còn có nhiều đoàn khách ngoại tỉnh. Đã có hơn 40 ngàn lượt khách đến Văn miếu trong hơn 1 tháng qua. Đây là tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài Văn miếu tạm ngưng đón khách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”.

Nói như nhà văn Nguyễn Thái Hải trong cuốn sách Theo dòng chảy Đồng Nai: “Đứng trước bàn thờ các danh nhân văn hóa, tôi nhớ lại dòng chảy lịch sử đã trôi qua, không phải vị nào cũng luôn được tôn quý qua tất cả các thời đại, thế lực khác nhau nhưng rồi cuối cùng, họ vẫn là họ - những người được nhân dân ngưỡng vọng. Điều đó làm tôi thêm vững tin: Người hiền luôn bất tử”.
Hòa Bình

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang