Trong năm qua, do dịch
bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên phần lớn thời gian học sinh học online. Để
nâng cao chất lượng đầu vào cũng như có thêm cơ hội vào ĐH cho những thí sinh,
nhiều trường đại học đã dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức thi
đánh giá năng lực (ĐGNL). Hiện hàng chục ngàn học sinh đã đăng ký tham gia để
tăng cơ hội trúng tuyển.

Một học sinh lớp 12 của
Trường THPT Ngô Quyền đăng ký tham dự kỳ
thi ĐGNL năm 2022
Đổ xô đăng ký thi
đánh giá năng lực
Là một kỳ thi không bắt
buộc, nhưng trước những thay đổi trong tuyển sinh ĐH năm nay cũng là một thách
thức đối với nhiều học sinh năm cuối bậc THPT khi muốn gia tăng cơ hội vào những
trường top trên.
Năm nay học 12, em Đặng
Ngọc Minh Hân, học sinh lớp 12 một Trường
THPT ở TP. Biên Hòa vẫn đang ráo riết để chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL mà em đã đăng
ký lựa chọn: Hân cho biết, năm nay em thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, trường
này sức cạnh tranh cao nên em thi ĐGNL để muốn tăng thêm cơ hội đầu vào.
Ngoài những phương thức
tuyển sinh thông thường, năm nay Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có thêm phương thức
tuyển sinh bằng ĐGNL. Tuy 50% chỉ tiêu của Trường từ phương thức xét điểm kỳ
thi tốt nghiệp THPT, nhưng trường cũng dành tới 25% chỉ tiêu sử dụng kết quả kỳ
thi ĐGNL. Do đó, nhiều học sinh như Hân đang tự luyện kiến thức để tham gia kỳ thi này
với mục đích tìm kiếm thêm cơ hội trong
số 25% chỉ tiêu này ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT QG. Qua làm thử những bài
thi ĐGNL trên mạng, Hân cho thấy có nhiều kiến thức, kỹ năng mà trong chương
trình học không có, phải tìm hiểu thêm từ bên ngoài, bởi thi ĐGNL đòi hỏi kiến
thức sâu, rộng cũng như tư duy logic.
Cũng có con năm nay
thi đại học, bà Nguyễn Thị Xuân (P. Trung Dũng) cũng dang đồng hành cùng con.
Bà Xuân cho rằng, kỳ thi ĐGNL cũng giống như cách ngày trước thời bà thi đại học,
đều phải tự thi và tự cạnh tranh nhau để vào được trường bằng sức lực của chính mình chứ không phải lấy điểm
kỳ thi tốt nghiệp THPT QG để xét như hiện nay. Bà Xuân cho rằng trong số những
phương thức tuyển sinh của các trường ĐH hiện nay, dùng kết quả thi ĐGNL là
chính xác nhất. Kỳ thi này thể hiện năng lực, sự hiểu biết cũng như kiến thức của
chính mỗi em một cách khách quan nhất.
Trải qua kỳ thi ĐGNL
năm học trước và đã đỗ vào trường đại học ước mơ bằng điểm của kỳ thi ĐGNL này với
960 điểm. Sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) Nguyễn
Ngọc Tuấn (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa)
chia sẻ kinh nghiệm: “Kinh nghiệm thi ĐGNL của tôi là phải tìm hiểu kỹ cấu trúc
và dạng câu hỏi bài thi để biết mình cần chuẩn bị những phạm trù kiến thức nào.
Mặc dù không cần thuộc lòng nhưng để làm được bài thi ĐGNL cần có kiến thức nền
về lĩnh vực đó mới có thể giải quyết nhanh vấn đề; đồng thời đòi hỏi khả năng vận
dụng, suy luận cao có liên hệ với thực tiễn cuộc sống. Thi ĐGNL cần am hiểu nhiều
lĩnh vực, kiến thức khác nhau. Vì thế, các bạn thấy mình còn hạn chế phần nào
thì kịp thời bổ sung, khắc phục ngay trước khi kỳ thi diễn ra.
Theo nhiều ý kiến của
cả những người trong và ngoài ngành, việc tổ chức kỳ thi ĐGNL là cần thiết. Bởi
2 năm 2020 và 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phần lớn các học sinh
học online nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học của học sinh, kết quả tốt
nghiệp THPT quốc gia không mang tính phân loại cao, nên ĐGNL là hình thức thẩm
định chất lượng đầu vào của các thí sinh khá chuẩn xác.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT
Võ Ngọc Thạch chia sẻ, kỳ thi ĐGNL là cần thiết để phân loại học sinh. Hiện
nay, phần lớn các trường ĐH đều lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào ĐH.
Tuy nhiên, năm học 2021-2022, có nhiều trường, chủ yếu các trường ĐH danh giá…,
tập trung vào phương án tuyển sinh qua hình thức thi ĐGNL để làm căn cứ xét tuyển,
cũng như dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho nhóm thí sinh này.
Trong khi đó, Phó Hiệu
trưởng Trường THPT Ngô Quyền Trần Nghĩa Dũng cũng cho hay, thi ĐGNL là thêm một cơ hội xét tuyển vào các trường
đại học. Do đó, trong những năm gần đây, thi ĐGNL đang là xu hướng lựa chọn của
nhiều trường ĐH trong tuyển sinh. Tuy không bắt buộc, nhưng đã được rất nhiều học
sinh tham gia để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH. Hiện có khá nhiều
trường ĐH theo xu hướng tuyển sinh phần lớn chỉ tiêu theo phương thức này, nên
những năm qua, có khá đông học sinh Trường THPT Ngô Quyền tham gia kỳ thi này.
Kỳ thi cần thiết để
phân loại học sinh
ĐGNL là kỳ sát hạch
mà thí sinh phải thực hiện bài kiểm tra trình độ ngôn ngữ; toán học, tư duy logic,
phân tích số liệu và giải quyết vấn đề. Mục đích của việc tham gia kỳ thi này
là để xét tuyển ĐH, ĐGNL của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình
giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến
thức và năng lực cá nhân; kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng,
thái độ của người học… Vì thế, học sinh cần học, đọc, nghiên cứu sâu, rộng các
nội dung kiến thức, vấn đề liên quan đến các lĩnh vực trên để có thể làm bài đạt
kết quả tốt nhất.
Chuẩn bị cho kỳ thi
tuyển cao đẳng, ĐH năm học 2021-2022, đến nay hầu hết các trường ĐH đã hoàn tất
và công bố phương án tuyển sinh. Trong bối cảnh các trường ĐH được chủ động
trong việc xét tuyển sinh viên, các trường mạnh dạn mở rộng hình thức và chọn
phương án thi ĐGNL với mục đích nâng cao chất lượng đầu vào cũng như giúp
tuyển sinh đúng người, đúng ngành, đặc biệt trong thời gian 2 năm qua do dịch bệnh,
việc học online khiến cho chất lượng học kém hơn, điểm số không thực chất.
Qua theo dõi thông
tin cho thấy, xu hướng ngày càng có nhiều trường ĐH đã bổ sung thêm phương án
tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của Trường ĐHQG TP.HCM để tuyển
sinh, thậm chí là dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này, nên số thí sinh
đăng ký tham gia kỳ thi mỗi năm một tăng. Nếu 2018 chỉ có khoảng 5 ngàn thí
sinh dự thi, thì năm 2019 đã có hơn 40 ngàn thí sinh, năm 2020 là 60 ngàn và
năm 2021 là hơn 70 ngàn thí sinh dự thi và đợt 1 năm 2022 đã có đến hơn 85 ngàn
thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL do Trường ĐH QG TP.HCM tổ chức.
Một điểm đáng lưu ý
năm nay, số trường ĐH sử dụng kết quả thi ĐGNL tăng mạnh. Nếu năm 2021 chỉ có
60 trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để tuyển sinh thì năm nay có hơn 80
trường ĐH chia sẻ kết quả kỳ thi này để tuyển sinh và dành phần lớn chỉ tiêu
cho nhóm này. Cụ thể, Trường ĐH Khoa học
tự nhiên dành đến 70%, Trường ĐH Kinh tế - Luật là 60%, Trường ĐH Khoa học Xã hội
và Nhân văn cũng như hơn 20 trường ĐH khác là 50% chỉ tiêu... Điều đó cho thấy
xu hướng các trường chọn phương thức tuyển
sinh chủ yếu bằng hình thức ĐGNL.
Thông tin từ website
của Trường ĐHQG TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và
Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM cho biết, nhiều năm qua trường tổ chức
kỳ thi ĐGNL và ngày càng được nhiều trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH.
Điều đó cho thấy tính ưu việt của kỳ thi ĐGNL khi đánh giá được chất lượng thực
của học sinh. Không căng thẳng như ôn tập kiến thức thi THPT QG, kỳ thi
ĐGNL tương đối nhẹ nhàng, tuyển chọn theo mục tiêu của trường cũng như một số
trường phối hợp, chia sẻ kết quả thi của các thí sinh trong việc xét tuyển.
Theo TS. Chính, năm
nay kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐHQG TP.HCM có một số thay đổi, chủ yếu
là tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cũng như các đơn vị tuyển sinh bằng kết
quả của cuộc thi này. Những năm trước ở phía Nam, Trường ĐHQG TP.HCM chỉ tổ chức
thi ĐGNL tại 4 điểm thì năm nay kỳ thi được mở rộng địa điểm tổ chức tại 17 địa
phương, trải dài từ miền Trung đến các tỉnh/thành của Tây Nam bộ.
Kỳ thi ĐGNL của
ĐHQG-HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của các thí sinh như:
sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức,
bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm
bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ
bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả
năng học thuộc lòng.
Để có một kết quả kỳ
thi ĐGNL tốt nhất, TS. Nguyễn Quốc Chính lưu ý các thí sinh cần chuẩn bị dài
hơi, nhưng gần ngày thi cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo đi đến phòng thi trong tâm
thế tốt nhất. Một vấn đề quan trọng nữa mà thí sinh cũng cần có một số kỹ năng
để làm bài thi. Với những câu hỏi khó quá, mình tạm thời chưa xử lý, mình dành
thời gian xử lý những câu dễ dàng hơn, phải cố gắng không bỏ trống bất cứ câu hỏi
nào”.
Lam Khuê
Bài thi đánh giá
năng lực của ĐHQG TP.HCM gồm: 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là
150 phút. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử
dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là
300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.