(CTT-Đồng Nai) Những năm gần đây, công tác hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông ngày càng được quan tâm bởi đây là một nội dung quan trọng, giúp học sinh có những quyết định đúng đắn khi chọn nghề nghiệp cho bản thân.
Tuy nhiên, ở nhiều trường học, công tác hướng nghiệp còn khá thụ động, do nhiều giáo viên chưa có đủ thông tin lẫn kỹ năng, dẫn đến việc học sinh có thể đi lạc hướng trong quá trình hình thành những hiểu biết về lựa chọn nghề nghiệp.
Học sinh một trường phổ thông tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Đồng Nai
Học sinh một trường phổ thông tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Đồng Nai
* Công tác hướng nghiệp càng trở nên quan trọng
Trong 1-2 năm trở lại đây, nhận thức về hướng nghiệp đã được cải thiện khá hơn trước. Nhiều học sinh không thể trúng tuyển vào lớp 10 công lập hay tư thục, phụ huynh đã mạnh dạn cho con mình tham gia các lớp vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề. Có được chuyển biến này là nhờ các trung tâm giáo dục thường xuyên, nhất là các trường nghề, đã chứng minh được năng lực đào tạo và cơ hội việc làm thực tế.
Còn với học sinh THPT, công tác hướng nghiệp càng trở nên quan trọng và không thể chậm trễ. Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bàu Hàm (H.Trảng Bom) Hoàng Văn Bắc cho biết: “Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, khi học sinh vào lớp 10, nhà trường đã tiến hành phân ban tự nhiên và xã hội. Những em theo ban tự nhiên sau này có thể sẽ chọn các ngành kinh tế - kỹ thuật nhiều hơn, còn theo ban xã hội thì có thể thiên về các ngành: ngoại ngữ, xã hội học, du lịch…”.
Đứng trước sự cạnh tranh về công tác tuyển sinh, không ít trường đại học, cao đẳng đang tiếp tục đến tận các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Nhưng thực tế mục đích chính của các trường vẫn là tuyển sinh nhiều hơn hướng nghiệp.
Hiệu trưởng một trường tư thục có nhiều cấp học tại TP.Biên Hòa cho hay: “Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tiếp đến 4 đoàn đến tư vấn hướng nghiệp; học sinh có hỏi về các ngành nghề ở trường khác nhưng “chuyên gia” tư vấn lòng vòng rồi cuối cùng cũng hướng về trường mà họ muốn giới thiệu”.
* Cần tạo bước đột phá về giáo dục hướng nghiệp
Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 nêu rõ, cần tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Theo Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa), những năm trước, nhà trường tập trung công tác hướng nghiệp khá nhiều cho học sinh lớp 12, nhưng những năm gần đây, nhà trường đã quan tâm đến cả học sinh lớp 10 và 11. Cụ thể, khi học sinh lớp 10 vào nhập học, nhà trường đã khảo sát và định hướng nghề nghiệp cho các em theo từng nhóm. Sau khi phân nhóm, nhà trường sẽ giúp học sinh tiếp cận với thông tin về ngành nghề các em quan tâm. Nhà trường còn mời những người đang làm ở các ngành nghề mà học sinh quan tâm đến nói chuyện.
Em Nguyễn Quốc Vượng, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Em quan tâm nhiều đến lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng còn bối rối vì ngành nghề này khá rộng và có nhiều cơ sở đào tạo. Em rất muốn có những thông tin chính xác để biết mình có thể thực sự hợp với ngành công nghệ thông tin hay không và hợp ở lĩnh vực nào của ngành này”.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) Nguyễn Khánh Cường chia sẻ, ở các nền giáo dục hiện đại trên thế giới, việc hướng nghiệp cho học sinh bậc phổ thông được tiến hành rất sớm. Hướng nghiệp sớm không chỉ là chuyện của nhà trường và học sinh, mà còn có sự tham gia, hợp tác tích cực của phụ huynh. Các trường thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh thông qua việc tham gia những dự án học tập gắn với khởi nghiệp để học sinh hình thành suy nghĩ về nghề nghiệp trong tương lai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, với nhiều dự án giao thông kết nối lớn đang hình thành và sẽ đi vào hoạt động nay mai, đặc biệt là dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, dự báo Đồng Nai sẽ có nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đến đầu tư. Vì vậy, cần định hướng cho học sinh phổ thông xu hướng phát triển của tỉnh cùng dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng lao động ở các ngành nghề để các trường, phụ huynh, học sinh có kênh tham khảo.