Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Có cần xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường cho học sinh

(CTT - Đồng Nai) - Trong tiến trình xây dựng trường học hạnh phúc, một trong những yếu tố rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, cho phụ huynh và các bên liên quan trong nhà trường. Do đó, việc xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường là rất cần thiết.

Tuy nhiên, hoạt động này ở hầu hết các trường học hiện nay chỉ mang tính cầm chừng, cho có... Cần tăng cường nguồn nhân lực về chất lượng, số lượng ở các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý.

Học sinh cần gỡ rối các vấn đề tâm lý lứa tuổi
Vấn đề tâm lý lứa tuổi học sinh đang chịu nhiều tác động từ những mặt trái của xã hội phát triển nhưng cách tiếp cận và hỗ trợ kịp thời cho các em vượt qua những khủng hoảng, rủi ro vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính chủ động từ nhà trường đến gia đình. Dù Bộ GD-ĐT đã có chủ trương chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng thực tế rất hiếm cơ sở giáo dục công lập làm được điều này. Nhiều hiệu trưởng cơ sở giáo dục cho biết, không đơn giản chỉ là việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường là xong, mà còn cần người có chuyên môn về công tác này mới đạt được hiệu quả thực sự cần thiết.

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng là hoạt động cần thiết nhằm giúp học sinh vượt qua những khó khăn về tâm, sinh lý (trong ảnh: Học sinh Trường Song ngữ Lạc Hồng – TP.Biên Hòa tìm hiểu về thiên nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai)
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng là hoạt động cần thiết nhằm giúp học sinh vượt qua những khó khăn về tâm, sinh lý (trong ảnh: Học sinh Trường Song ngữ Lạc Hồng – TP.Biên Hòa tìm hiểu về thiên nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai)

Vì thiếu cách tiếp cận nên không ít học sinh gặp các vấn đề tâm lý, hay những “cú sốc” về tinh thần không biết tìm chỗ dựa nào để yên tâm tin tưởng, chia sẻ và tìm được những lời khuyên, cách giải quyết tình huống. Vì không tìm được nơi “hóa giải” tâm lý nên học sinh có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng, thậm chí là dẫn đến hành vi tiêu cực lẫn hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử, tại một trường THCS ở TP.Biên Hòa từng xảy ra trường hợp học sinh bỏ học, bỏ nhà đi nhiều ngày vì bất hòa với cha mẹ và chán nản chuyện học hành.
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) Nguyễn Quang Thái cho biết, tâm lý của tuổi mới lớn là một vấn đề mang tính thách thức với nhà trường và chỉ cần lơ là một chút sẽ… “tới công chuyện” liền. Do đó, thầy cô không chỉ có nhiệm vụ dạy mà còn phải quan tâm sâu sát đến diễn biến tâm lý học sinh, là chỗ dựa để khi cần thì học sinh có thể chia sẻ và tìm được lời khuyên cần thiết cho mình. Khi nghe học sinh chia sẻ, giáo viên cũng phải rất nhạy cảm, tinh tế trong cách ứng xử, nếu không thì học sinh rất dễ bị mất niềm tin nghiêm trọng hơn.

Cần xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường
Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh Nguyễn Duy Bằng cho rằng, muốn phòng, chống bạo lực học đường hay các vấn đề tâm lý học đường thì phải xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện. Ở đó, thầy cô phải gần gũi học sinh để hiểu hơn về tâm lý tuổi mới lớn và dành cho các em những lời khuyên. Trường học cũng cần những CLB, những diễn đàn để học sinh được nói, được bày tỏ những điều các em đang suy nghĩ.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc xây dựng môi trường học đường thân thiện, để trường học giống như ngôi nhà thứ hai và mỗi ngày đến trường là một ngày vui, sẽ góp phần giải tỏa các áp lực trong học tập, cuộc sống của học sinh. Đây là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi những vấn đề tiêu cực xảy ra trong môi trường học đường.

Học sinh Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) nghe tư vấn về pháp luật
Học sinh Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) nghe tư vấn về pháp luật

Hiện nay, nhiều trường học đã thực hiện diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”. Tùy theo điều kiện thực tế, các trường có thể tự tổ chức để giáo viên trong trường làm diễn giả hoặc mời diễn giả là chuyên gia tâm lý trao đổi với học sinh xung quanh vấn đề bạo lực học đường, về thực trạng, nguyên nhân, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; cách để xây dựng tình bạn đẹp, tự nhiên, trong sáng, đúng với lứa tuổi học trò. Các diễn giả cũng gỡ rối một số vấn đề vướng mắc về tâm lý cho học sinh thông qua phần giao lưu, trả lời câu hỏi…
Theo Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành, cuộc sống và môi trường giáo dục hiện đại đang làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý trong học sinh và các em rất cần được chia sẻ, nhận được những lời khuyên răn để đi đúng đường. Tuy nhiên, không phải thầy cô giáo nào cũng khiến học sinh tự tin chia sẻ như việc chia sẻ với bạn bè. Do đó, rất cần những nhân viên tâm lý về học đường có đủ chuyên môn trong trường học để giải quyết những vấn đề đang phát sinh hiện nay.
Hoạt động của Phòng tham vấn học đường sẽ hiệu quả hơn nếu có các vị trí việc làm chuyên trách trong trường học. Theo đó, hoạt động này cần có nhân sự phụ trách toàn thời gian, có chuyên môn về tâm lý học đường để triển khai bài bản các hoạt động từ khảo sát sàng lọc, tham vấn, tổ chức hoạt động nhóm, hoạt động phòng ngừa toàn trường đến tư vấn chiến lược cho Ban Giám hiệu.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), “Tâm lý học đường là ngành tâm lý ứng dụng liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên, gia đình và quá trình học tập. Các nhà tâm lý học học đường có chuyên môn để can thiệp ở cấp độ cá nhân và hệ thống, đồng thời phát triển, thực hiện và đánh giá các chương trình nhằm thúc đẩy môi trường học tập tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên từ các nền tảng khác nhau, và đảm bảo tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ giáo dục và tâm lý hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển sức khỏe”.
Hoàng Giang

Các tin khác

    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

    Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
    Điện thoại: (0251).3847292.
    Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

    ipv6 ready

    Chung nhan Tin Nhiem Mang