(CTT-Đồng Nai) Trước đây, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) vốn được xem là “vùng trũng” của công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, vài năm gần đây nhiều trung tâm đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thậm chí có nơi còn tuyển gần gấp đôi chỉ tiêu ban đầu vì số lượng học sinh đến đăng ký quá đông.
Tuyển sinh không còn là nỗi lo của các Trung tâm GDNN-GDTX nữa mà thay vào đó là phải đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục.

Phụ huynh, học sinh đi nộp hồ sơ tuyển sinh tại Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom
Phụ huynh, học sinh đi nộp hồ sơ tuyển sinh tại Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom
Công tác tuyển sinh
Các trung tâm GDNN-GDTX có thể được coi là “vùng trũng” của công tác tuyển sinh sau THCS. Bởi lẽ đây thường là sự lựa chọn cuối cùng của thí sinh khi những cánh cửa ở cả trường THPT công lập lẫn tư thục và trường nghề khép lại. Vì lẽ đó, chất lượng đầu vào của các trung tâm GDNN-GDTX cũng thấp nhất trong “phân khúc” sau THCS. Tuy vậy, năm nay, đa số trung tâm GDNN-GDTX cũng khá thuận lợi trong khâu tuyển sinh, nhiều trung tâm dự kiến sẽ phải tuyển vượt chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu của người học.
Trung tâm GDTX tỉnh có lẽ là đơn vị hoàn thành công tác tuyển sinh nhanh nhất. Đơn vị này chỉ mất hơn 1 ngày để tuyển đủ hơn 250 chỉ tiêu lớp 10. Điều đáng nói là tiêu chuẩn đầu vào của trung tâm cũng không hề thấp. Theo đó, học sinh phải đạt học lực năm lớp 9 từ loại khá trở lên. Việc nâng chuẩn đầu vào giúp cho trung tâm có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng dạy học. Cụ thể, toàn bộ học viên của trung tâm đều được học môn tiếng Anh, vốn là môn học không bắt buộc đối với hệ GDTX.
Năm nay, Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom dự kiến xét tuyển khoảng 260 chỉ tiêu nhưng có lẽ sẽ phải tuyển gấp đôi chỉ tiêu thì mới đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.
Ông Võ Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm lý giải: “Năm ngoái, Trung tâm cũng dự định chỉ tuyển khoảng 300 chỉ tiêu thôi nhưng cuối cùng phải tuyển lên đến gần 540 em. Sở dĩ năm nay chúng tôi đặt ra chỉ tiêu tuyển 260 em là căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có. Nếu tuyển đúng chỉ tiêu này thì Trung tâm sẽ đáp ứng được, cũng thuận lợi cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở GDNN-GDTX”.
Tuy nhiên, trước tình hình số lượng học sinh, phụ huynh đến xin xét tuyển đông, lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom cho biết có thể sẽ phải tuyển vượt chỉ tiêu, thậm chí vượt nhiều hơn năm trước.
Ông Vinh cho hay, nếu thí sinh đến đăng ký tuyển sinh tiếp tục tăng thì Trung tâm sẽ đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND huyện để có phương án tháo gỡ. Để có thể tiếp nhận được thêm học sinh thì Trung tâm buộc phải đi thuê cơ sở vật chất, phòng học để mở rộng số lớp, đáp ứng yêu cầu học tập. Nếu số lượng tuyển sinh năm nay bằng năm ngoái thì Trung tâm phải thuê thêm khoảng 6-8 phòng học nữa. Ngoài ra, muốn tuyển sinh thêm thì Trung tâm phải được UBND huyện giải quyết kinh phí để chi trả cho giáo viên thỉnh giảng. Mặt khác, Trung tâm cũng cần được Sở GD-ĐT cấp thêm chỉ tiêu.
Để tạo điều kiện cho học sinh được học nghề, nhiều trung tâm GDNN-GDTX đã liên kết với các trường nghề trong và ngoài tỉnh để tổ chức các lớp trung cấp nghề. Học sinh có thể vừa học trung cấp nghề vừa học chương trình GDTX. Với chương trình song bằng này, sau 3 năm học, học sinh vừa tốt nghiệp trung cấp nghề mà vẫn có thể thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT.
Quan tâm vấn đề xây dựng Trung tâm GDNN-GDTX
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng, Phân luồng trong giáo dục “tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học GDNN hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước”. Theo đó, Quyết định 522/QD-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 về việc phê duyêt Đề án "Giáo dục hướng nghiêp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” có đề ra mục tiêu đến năm 2025: “Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp”.
“Như vậy, để đáp ứng mục tiêu trên, thiết nghĩ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích đối với học nghề; trường nghề cần đa dạng các ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt lưu ý đến hội nhập quốc tế, kết nối với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người học, tạo điều kiện người học liên thông bậc học cao hơn, hay học chương trình GDTX cấp THPT để tốt nghiệp THPT song song tốt nghiệp nghề…”, ông Thạch cho hay.
Cũng theo ông Thạch, GDTX là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Do đó, việc phân luồng sau THCS sẽ có rất nhiều học viên tham gia loại hình học tập này. Hiện nay, tại Đồng Nai chỉ riêng khối 12 hệ GDTX đã có gần 8 ngàn học viên, tương ứng với phân luồng chỉ 30% trong giai đoạn này. Như vậy để đón đầu cho phân luồng sau 2025, thì các Trung tâm GDTX cần có sự chuẩn bị các nguồn lực: cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, kinh phí… để đáp ứng nhu cầu học tập da dạng của người dân. Đặc biệt các cấp quản lý cần hiểu rõ mục tiêu sau phân luồng để tạo điều kiện cho các trường nghề, các trung tâm GDTX hoạt động hiệu quả, chất lượng.