(CTT-Đồng Nai) - Bảo tàng Đồng Nai vừa phối hợp cùng Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, thành phố Biên Hòa tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Võ Trường Toản - Thân thế và sự nghiệp một nhà giáo, nhà văn hóa lớn của đất nước” nhân Kỷ niệm 232 năm ngày mất của ông.
Các em học sinh tham gia sinh hoạt chuyên đề Võ Trường Toản - Thân thế và sự nghiệp một nhà giáo, nhà văn hóa lớn của đất nước
Các em học sinh tham gia sinh hoạt chuyên đề Võ Trường Toản - Thân thế và sự nghiệp một nhà giáo, nhà văn hóa lớn của đất nước
Võ Trường Toản là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ, tài ba ở miền Nam, thế kỷ 18. Ông là người học rộng tài cao, đức độ, khiêm hòa, nhân hậu, thông đạt kim cổ. Nhiều danh thần triều Gia Long như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh đều là học trò của ông.
Võ Trường Toản mất năm 1792, tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và được an táng tại địa phương. Hay tin ông mất, Chúa Nguyễn cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu khắc trên bia mộ là “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (nghĩa là bậc xử sĩ Võ tiên sinh, người Gia Định, sùng về đức độ).
Để tưởng nhớ công đức của Võ Trường Toản, học trò của ông tạc đôi câu đối: “Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có/Khi mất tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn”.
Hiện nay, danh nhân văn hóa Võ Trường Toản được thờ tại Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên. Tượng của ông được đặt trong khuôn viên Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của người dân và du khách.
Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề về danh nhân văn hóa, nhà giáo Võ Trường Toản góp phần giáo dục truyền thống, tạo nếp sinh hoạt lành mạnh, bổ ích giúp các em học sinh hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa địa phương và dân tộc. Qua đó, động viên, khuyến khích các thầy cô giáo, các em học sinh phấn đấu hơn nữa trong công tác giảng dạy và học tập, đạt thành tích cao trong năm học 2024 - 2025.