(CTT-Đồng Nai) – Đó là một trong những nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tại buổi trao đổi, chia sẻ về chuyên đề Định hướng tầm nhìn cho Đồng Nai phát triển bền vững cho các học viên là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh mới đây.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ về chuyên đề Định hướng tầm nhìn cho Đồng Nai phát triển bền vững cho các học viên là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ về chuyên đề Định hướng tầm nhìn cho Đồng Nai phát triển bền vững cho các học viên là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh
Cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, chúng ta cần có những giải pháp trước mắt cũng như giải pháp lâu dài để phục hồi môi trường và tiến tới kiểm soát hiệu quả vấn đề môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Trong đó, cần nỗ lực kiểm soát các dự án mới. Các dự án mới đầu tư vào tỉnh phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ĐTM phải chuẩn mực, thực chất, triệt để xử lý vấn đề môi trường.
Theo đồng chí, kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Kinh tế tuần hoàn là các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hóa giá trị trên nguyên tắc là các vật liệu và tài nguyên được sử dụng càng lâu thì giá trị thu được từ chúng càng nhiều.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, cần lộ trình, quyết liệt và từng bước xử lý vi phạm về môi trường của các dự án cũ không đáp ứng yêu cầu về môi trường. Trong đó bao gồm các vấn đề về: xử lý chất thải rắn (nguy hại và không nguy hại); xử lý nước thải, vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt và mạch nước ngầm; vấn đề khí thải, bụi lò; ô nhiễm về mùi; ô nhiễm về tiếng ồn.
Hướng đến Đồng Nai phát triển xanh, bền vững
Đồng chí nhấn mạnh, Đồng Nai cần quyết tâm bảo vệ môi trường sống, nâng cao chất lượng sống cho người dân, hướng đến Đồng Nai phát triển xanh, bền vững với các giải pháp cụ thể.
Đó là thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị bao gồm các hạ tầng về: hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; hệ thống phân loại rác tại nguồn, công tác thu gom, trung chuyển rác thải sinh hoạt đến cơ sở xử lý rác thải tập trung phải đồng bộ, chuyển từ chôn lắp sang tái chế, tái tạo nguồn thải; hệ thống cấp nước sạch phục vụ nhân dân đồng thời bảo vệ nguồn nước sạch, giảm khai thác nước ngầm, tăng số lượng người dân sử dụng nước máy và có chiến lược về nước cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai; xử lý dứt điểm các điểm đen về môi trường trên địa bàn, tiến tới xanh hóa các điểm đen…
Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, cần kiểm soát và xử lý các vi phạm về phát thải trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát huy vai trò của đảng viên sinh hoạt trên địa bàn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, làm trong lành không gian môi trường làm việc, môi trường sống gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…