(CTT-Đồng Nai) - Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Với tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và làm điểm tựa cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đây được kỳ vọng sẽ tạo động lực, luồng gió mới giúp DN, doanh nhân Việt phát triển, vươn ra thế giới.
Sản xuất tại một DN ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa
Sản xuất tại một DN ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa
Nghị quyết mới của Bộ Chính trị được cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng bởi những nội dung rất mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển, đáp ứng những vấn đề thực tiễn của giới doanh nhân và xã hội.
Nhiều chuyển biến tích cực về quan điểm chính sách
Ngày 9-12-2011, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 - NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết 09 tạo bước tiến rất lớn cho sự phát triển của doanh nhân, DN Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, môi trường chính sách có nhiều thay đổi. Sau hơn 1 thập kỷ, tình hình đất nước và thế giới có nhiều biến đổi, đặc biệt là quy mô kinh tế, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, cần có một chủ trương, chiến lược mới để phát triển đội ngũ DN, doanh nhân.
So với Nghị quyết số 09 cách đây 12 năm, Nghị quyết 41 lần này có nhiều điểm mới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là “Khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nhân, DN. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp. Chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm trong kinh doanh, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế”.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công thì đây là một bước tiến rất lớn trong quan điểm và sẽ tạo ra quan điểm rất lớn trong xã hội về lâu dài. Nghị quyết 41 ra đời không phải chỉ trong vòng 1 hay 2 năm mà cho 10 hoặc 20 năm tới để tạo ra sự chuyển biến sâu rộng trong xã hội, trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp của Việt Nam.
Doanh nghiệp kỳ vọng vào cách tiếp cận mới
Đối với địa phương, cụ thể là Đồng Nai, cùng với Nghị quyết 41, DN rất mong từ lợi thế, tiềm năng của mình sẽ được hỗ trợ thực sự sát sườn hơn. Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long, Đồng Nai có rất nhiều cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhân phát triển. Trong đó, với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, các công trình lớn như sân bay, đường cao tốc, cảng biển, khu công nghiệp mới, các dự án dân cư, đô thị…sẽ tạo ra nhu cầu lớn đối với sản phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ đã và đang được các DN tạo ra trên địa bàn. Do vậy, cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai rất mong muốn được tạo điều kiện, hỗ trợ kết nối để có thể cung ứng dịch vụ, sản phẩm cho các đối tác, nhà thầu lớn có dự án trên địa bàn.
Trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh, chiến tranh, biến động thế giới, yêu cầu hiện nay của địa phương là phải chủ động tìm các giải pháp để tháo gỡ chứ không chờ đến khi DN nêu ý kiến mới xem xét. Từ năm 2022, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo lập tổ công tác giải quyết khó khăn cho DN và lập đường dây nóng để tiếp nhận các vướng mắc. UBND tỉnh và các sở ngành cũng đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm hỗ trợ DN. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, thành công của DN cũng là thành công của chính quyền địa phương . Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN thông qua sự quản lý nhà nước ngày càng minh bạch, xây dựng môi trường công bằng, khách quan và thượng tôn pháp luật để cùng nhau kiến tạo môi trường kinh doanh ngày một tốt hơn.