Từ nhiều năm trước, Chính phủ nước ta đã chỉ rõ tầm quan trọng và xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp 4.0 trong chiến lược phát triển nông nghiệp của quốc gia. Tuy nhiên, thực tế phát triển nông nghiệp 4.0 vẫn chưa xứng tầm.
Một trong những rào cản lớn vẫn là ở nhận thức, sự quan tâm của nông dân về sản xuất 4.0. Để thay đổi điều này cần có giải pháp xây dựng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ lao động trẻ và có trình độ ở khu vực nông thôn để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.

Đội
ngũ kỹ sư làm việc tại tại một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại
H.Long Thành được đào tạo bài bản. Ảnh: Phan Anh
Đồng bộ, hiện đại công nghệ, máy móc
NGND-TS Phan Hiếu Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp (Trường đại học Nông lâm TP.HCM) đánh giá, hiện đất đai bị xói mòn và ngày càng thoái hóa, nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Giải quyết căn cơ vấn đề này, lao động thủ công không còn phù hợp mà phải đưa máy móc vào sản xuất; đồng thời phải ứng dụng thêm các công nghệ cao trong sản xuất để bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước và tăng năng suất cây trồng. Đây cũng là một trong những điều kiện cần của cuộc cách mạng 4.0.
Khó khăn lớn nhất của cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam là không được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản và có hệ thống nên nhiều nông dân phải tự sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị. Đã đến lúc những nghiên cứu cơ bản để phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ, không thua về công nghệ so với các nước trên thế giới và phải do Nhà nước đứng ra cùng DN thực hiện với sự đầu tư dài hạn chứ không phải những đề tài khoa học chủ yếu nằm trên giấy.
Một rào cản khác, cơ giới hóa chưa thoát khỏi quy mô hộ gia đình vì đồng ruộng, vườn tược ở Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Nhà nước, các địa phương phải thực hiện rốt ráo hơn việc xây dựng những vùng chuyên canh, những cánh đồng thực sự lớn ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để làm ra sản phẩm chất lượng đồng đều, giá thành hạ, cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.
Cùng quan điểm, TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Te-food International (TP.HCM) cho rằng để sản xuất nông nghiệp Việt Nam tiếp cận cách mạng 4.0, cần tìm giải pháp nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới nhất.
Trong đó, nhiều năm nay, Te-food International đã hợp tác với tỉnh Đồng Nai triển khai chương trình Te-food. Đây là một hệ thống lớn, áp dụng các công nghệ 4.0 như: blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật... Công nghệ Blockchain có thể thay thế các loại giấy tờ, không cần đóng dấu, ký tên… Các thông tin nằm trên hệ thống đám mây, ai cũng có thể kiểm soát thông tin qua thiết bị di động kết nối, đảm bảo tính minh bạch từng khâu trong chuỗi sản xuất từ thực phẩm tới bàn ăn. Mong muốn của tôi là ứng dụng công nghệ 4.0 thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, nông sản hiệu quả với giá rẻ nhất. Người tiêu dùng trên thế giới có thể tự truy xuất nguồn gốc và tin tưởng, thích thú với nông sản “made in Vietnam".
Đầu tư nguồn nhân lực
Một trong những rào cản để nông dân Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 là ở nhận thức. Vì nông dân còn sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ thì rất khó tiếp cận công nghệ cao trong sản xuất. Để thay đổi điều này cần tập trung tuyên truyền, tập huấn cho dân hiểu; đặc biệt là cho thế hệ nông dân trẻ về mặt kiến thức cần thiết trong sử dụng thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại; đào tạo cho người trẻ về tư duy tiếp cận nông nghiệp 4.0.
Theo TS Lê Quý Kha, nguyên Phó viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam: “Đã đến lúc nông dân Việt nam phải tìm cách vượt qua sự cần cù, chịu khó, tiếp cận nông nghiệp 4.0 để không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh".
Sinh viên đại học Nông Lâm TP.HCM về thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, H.Trảng Bom. Ảnh: Phan Anh
Trả lời phỏng vấn trên Báo Đồng Nai về cách mạng 4.0, GS-TS Nhà giáo nhân dân Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Người lao động cần có đủ kiến thức, kỹ năng (bao gồm cả kỹ năng cứng về kỹ thuật số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy; kỹ năng mềm như: khả năng tư duy, kỹ năng cá nhân, kỹ năng về xã hội…) mới đáp ứng được yêu cầu. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên mức độ giao thương lớn, đáp ứng về nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cần đặt lên hàng đầu, tuy nhiên nguồn nhân lực còn hạn chế. Do vậy, tỉnh nên thực hiện đề án riêng về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi thời gian qua đây là một lĩnh vực còn yếu nếu so với nhu cầu của địa phương cũng như tương quan với các tỉnh, thành trọng điểm khác.