Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Huyện Cẩm Mỹ: Chờ… dự án công nghiệp

Cẩm Mỹ là địa phương duy nhất của tỉnh chưa có khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Do đó, huyện rất mong chờ các dự án công nghiệp khởi động để giải quyết các vấn đề: đầu ra nông sản, lao động việc làm và cải thiện thu nhập, phát triển dịch vụ thương mại và gia tăng dân số. Bên cạnh đó, sự phát triển công nghiệp cũng là động lực để địa phương thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng.​

                                                        Đường kết nối vào CCN Long Giao đã hoàn thiện hạ tầng

Chậm so với các địa phương khác

Theo ông Chế Văn Thành, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng chia sẻ, so với các địa phương khác trong tỉnh, H.Cẩm Mỹ phát triển công nghiệp chậm. Thời điểm hiện tại địa phương chưa có dự án khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động mặc dù được quy hoạch khá nhiều. Ông Thành cho rằng, sự chậm trễ này đã tác động đến các lĩnh vực khác như: phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, thương mại dịch vụ của huyện.

Cụm công nghiệp (CCN) Long Giao (tại TT.Long Giao) diện tích gần 57ha là được mong chờ nhất vì dự án này được tỉnh cho ứng vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kết nối. Địa phương đã hoàn thành đầu tư đường kết nối vào cụm, giải phóng mặt bằng tuy nhiên theo Luật đầu tư mới còn phải hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500 và phương án đấu giá đất mới có thể tiến hành các bước tiếp theo.
 
Dự án thứ 2 là CCN Xuân Tây (tại xã Xuân Tây), gần 75ha. Dự án đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2020-2030 và đang cập nhật quy hoạch chung xã cho phù hợp. Dự kiến năm nay, địa phương sẽ xây dựng đề án thành lập CCN để tích hợp vào quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai.

Ngoài các CCN của địa phương, H.Cẩm Mỹ còn có các khu công nghiệp (KCN) là: Cẩm Mỹ hơn 300ha (tại xã Thừa Đức); Công nghệ cao công nghệ sinh học hơn 200ha (tại xã Xuân Đường) và KCN quy mô lớn nhất tỉnh gần 3,6 ngàn ha (tại 2 xã Xuân Quế, Sông Nhạn). Cũng như 2 CCN nói trên, các KCN này chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Ông Lê Văn Tưởng, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho rằng, do chưa có khu, CCN đi vào hoạt động nên phát triển công nghiệp của huyện không tập trung, chủ yếu các ngành tận dụng lợi thế về lao động như gia công, lắp ráp và tận dụng tài nguyên sẵn có như sơ chế nông sản, chế biến gỗ. Trong năm nay, địa phương sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện hồ sơ pháp lý để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án đấu giá đất, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng CCN Long Giao. CCN này ưu tiên cho các cơ sở vừa và nhỏ của địa phương, đồng thời thu hút các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản.

                                       Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh (TT.Long Giao)

Lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội

Theo lãnh đạo huyện, khi các khu, CCN trên địa bàn huyện hoàn thiện hạ tầng, địa phương sẽ tích cực trong việc thu hút dự án thứ cấp, hỗ trợ nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi của trung ương và tỉnh. Riêng các CCN của địa phương, huyện sẽ xây dựng cơ chế ưu tiên riêng theo từng nhóm ngành nghề.

Một số khó khăn đã được huyện tổng hợp, kiến nghị đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và ngành chức năng bao gồm: hỗ trợ, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp và tham gia chuỗi liên kết trồng - tiêu thụ - chế biến; hỗ trợ ngân sách để địa phương thuận lợi mời gọi đầu tư nước sạch vì thực tế nguồn nước ngầm ở H.Cẩm Mỹ sụt giảm, tỷ lệ dùng nước máy chỉ khoảng 12%.
 
Làm việc với lãnh đạo H.Cẩm Mỹ về tình hình phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ mới đây, Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung cho rằng, H.Cẩm Mỹ có nhiều lợi thế để phát triển ngành này. Đó là, gần sân bay Long Thành, gần các cảng biển trong và ngoài tỉnh, có 2 dự án cao tốc huyết mạch qua địa bàn, tuy nhiên các lợi thế này chưa được phát huy. Theo bà Dung, để tạo đà cho phát triển công thương nghiệp, H.Cẩm Mỹ cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, vẫn tập trung phát triển nông nghiệp nhưng là nông nghiệp công nghệ cao để cung ứng sản phẩm cho các nhà hàng, khách sạn và sân bay. Cùng với đó, quy hoạch sẵn các khu thương mại - dịch vụ - lưu trú kết hợp.

Cũng theo bà Dung, CCN Long Giao tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đi vào hoạt động so với mốc thời gian là tháng 10-2024. Do đó, địa phương bám sát các sở, ngành của tỉnh để triển khai các bước. CCN này đi vào hoạt động không chỉ giải quyết bài toán đầu ra nông sản, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người nông dân, tạo đà phát triển dịch vụ thương mại và gia tăng dân số cho TT.Long Giao và H.Cẩm Mỹ.

H.Cẩm Mỹ có 5 dự án công nghiệp tập trung đang mời gọi nhà đầu tư và làm thủ tục để thành lập. Đó là, CCN Long Giao gần 57ha đã có hạ tầng kết nối vào cụm, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; CCN Xuân Tây gần 75ha dự kiến trong năm nay hoàn thành thủ tục thành lập cụm. KCN Cẩm Mỹ 307ha đang trong quá trình làm thủ tục, giải phóng mặt bằng. KCN Công nghệ cao công nghệ sinh học hơn 210ha đã đầu tư được một phần hạ tầng, đang mời gọi nhà đầu tư thứ cấp; KCN Xuân Quế - Sông Nhạn gần 3,6 ngàn ha mới được bổ sung vào quy hoạch phát triển công nghiệp cuối năm 2020.
Phan Anh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang