(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai không chỉ là một trong những tỉnh công nghiệp phát triển của Việt Nam mà còn sở hữu tiềm năng văn hóa phong phú. Với sự đa dạng về dân tộc, lịch sử và di sản, Đồng Nai đang hướng đến việc phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo để góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế và gìn giữ bản sắc địa phương.

Ngày hội Khinh khí cầu huyện Nhơn Trạch 2024 cũng là một trong những điểm nhấn kích cầu, phát triển du lịch Đồng Nai
Ngày hội Khinh khí cầu huyện Nhơn Trạch 2024 cũng là một trong những điểm nhấn kích cầu, phát triển du lịch Đồng Nai
Thêm nhiều sản phẩm trên nền tảng số
Thời gian qua, ngành văn hóa đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual Reality) và công nghệ 3D để đưa các sản phẩm văn hóa đến gần hơn với công chúng, nâng cao trải nghiệm du lịch tại nhiều địa điểm văn hóa, du lịch. Trong đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đồng Nai thực hiện các triển lãm thực tế ảo gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam - những dấu ấn lịch sử; Chủ tịch Tôn Đức Thắng - cuộc đời và sự nghiệp; Biển, đảo - trái tim Việt Nam; Đất nước trọn niềm vui; Đồng Nai - vùng đất văn hóa và con người…
Hay như huyện Nhơn Trạch thực hiện triển lãm thực tế ảo Nhơn Trạch 30 năm xây dựng và phát triển, giúp người xem có cái nhìn tổng thể về vùng đất Nhơn Trạch giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, văn hóa, phát huy niềm tự hào ấy cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đặc biệt, Bảo tàng Đồng Nai đã xây dựng nhiều tour tham quan thực tế ảo và số hóa 2D, 3D các hiện vật và hồ sơ di tích. Nổi bật như tour tham quan thực tế ảo 360 Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên, Di tích quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn, Di tích Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh… Ngoài ra, bảo tàng còn giới thiệu đến công chúng triển lãm thực tế ảo Đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Tiên, cho phép người xem quan sát hệ sinh thái đa dạng một cách sống động như đời thực.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, các tour tham quan thực tế ảo, các triển lãm 3D, các hiện vật được số hóa 3D…, bảo tàng đã và đang giới thiệu trên website của đơn vị, đồng thời liên kết để đưa lên website của các công ty lữ hành du lịch. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, di sản của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai; kết nối và lan tỏa đến với người dân và du khách trong, ngoài nước, phát triển du lịch văn hóa.
Cùng với xây dựng các sản phẩm văn hóa sáng tạo bằng ứng dụng công nghệ, kết nối phát triển du lịch, thời gian qua, Đồng Nai còn đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch thông qua nhiều hình thức như: thực hiện phim giới thiệu về du lịch Đồng Nai tại các khu, điểm du lịch, phát sóng trên các kênh truyền hình…; phát hành ấn phẩm du lịch, giới thiệu trên các trang thông tin điện tử, tham gia hội chợ triển lãm về du lịch tại các địa phương.

Nghệ nhân tạo hình gốm và các sản phẩm gốm Biên Hòa xưa và nay
Nghệ nhân tạo hình gốm và các sản phẩm gốm Biên Hòa xưa và nay
Phát triển du lịch từ các sự kiện văn hóa lớn
Để quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch cũng như công nghiệp văn hóa, trong năm 2025, Đồng Nai sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc, quy mô. Nổi bật là Festival Khinh khí cầu tỉnh Đồng Nai năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30-4 tại Khu du lịch Sơn Tiên (phường An Hòa, thành phố Biên Hòa). Festival diễn ra với đa dạng các hoạt động như: trình diễn 50 khinh khí cầu tượng trưng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; lễ chào cờ Tổ quốc; bay khinh khí cầu tự do và bay khinh khí cầu treo trải nghiệm; tham quan lòng khinh khí cầu; biểu diễn dù lượn, công diễn kèn đồng, thả diều nghệ thuật...
Cùng thời gian diễn ra Festival Khinh khí cầu tỉnh Đồng Nai năm 2025, tại Trung tâm Sự kiện và Đối ngoại sẽ khai mạc Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai. Trong Festival Gốm sẽ có biểu diễn khinh khí cầu; tổ chức gian hàng thương mại, ẩm thực; xây dựng con đường gốm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân. Đây là sự kiện nhằm tôn vinh nghề gốm Biên Hòa với lịch sử hàng trăm năm, tạo cơ hội giao lưu giữa nghệ nhân và du khách, đồng thời thúc đẩy thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Háo hức chuẩn bị tham gia Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di vật, cổ vật Biên Hòa Nguyễn Mộng Điệp cho hay, ngay từ đầu năm 2025, câu lạc bộ đã xây dựng các chương trình hoạt động, trong đó chú trọng đưa di vật, cổ vật, nhất là cổ vật liên quan đến gốm Biên Hòa, đến các không gian văn hóa phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, câu lạc bộ đã và đang chuẩn bị hàng chục sản phẩm gốm độc đáo để tham gia Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai. Qua đó bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Đồng Nai.