(CTT-Đồng Nai) - Hoạt động biểu diễn âm nhạc dân gian dân tộc ở Đồng Nai nhiều năm trở lại đây phát triển sôi nổi. Và hầu như ở điểm nào, người ta cũng thấy nghệ nhân dân gian Phạm Lơ - Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử (ĐCTT) tỉnh Đồng Nai khi là thành viên ban giám khảo, khi thì kéo đờn, khi thì trở thành tài tử ca. Đặc biệt hơn cả, ông còn là một nhạc sĩ lành nghề, sáng tác và viết lời mới cho nhiều bài bản tài tử, vọng cổ…

Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử cho học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa năm 2025
Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử cho học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa năm 2025
Hơn nữa thế kỷ theo đuổi đờn ca tài tử
Nghệ nhân Phạm Lơ sinh năm 1947 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với ĐCTT và sớm bộc lộ năng khiếu đặc biệt. 13 tuổi, ông đã được học ĐCTT, nhưng phải đến năm 17 tuổi ông mới thực sự gắn bó và xác định theo đuổi đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
“Những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến ở chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt, tôi tình nguyện gia nhập quân đội và tham gia vào Đoàn Văn công miền Đông Nam Bộ. Chính việc trực tiếp hoạt động phong trào ở đây đã giúp tôi thấy được giá trị của nghệ thuật ĐCTT, từ đó càng đam mê hơn” - nghệ nhân Phạm Lơ nói.
Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ nhân Phạm Lơ về công tác tại Trường nghiệp vụ Văn hóa thông tin (nay là Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai). Tại đây, ông mở khóa học ĐCTT đầu tiên, “chiêu mộ” học sinh yêu thích tài tử, cải lương theo học. Đến năm 1994, ông bắt đầu thực hiện những chuyến đi khảo sát, tìm hiểu tài tử, cải lương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và gặp được nhiều đội, nhóm ĐCTT nhỏ lẻ, sinh hoạt tự phát trong quy mô của các gia đình, khu phố.
Nghệ nhân Phạm Lơ chia sẻ: “Năm 1997, Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Đồng Nai được thành lập trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đồng Nai), tôi được tín nhiệm, giữ chức vụ chủ nhiệm câu lạc bộ cho đến nay. Nhiều năm qua, tôi cùng với Nghệ nhân Dân gian Lê Văn Lợi (tài tử đờn) tích cực đưa ĐCTT đến với cộng đồng, truyền dạy kiến thức tài tử, cải lương và dạy đờn cho nhiều đối tượng công nhân, học sinh, sinh viên, nông dân… yêu nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh”.
Chăm chỉ lao động và cống hiến hết mình cho nghệ thuật ĐCTT, năm 2017, nghệ nhân Phạm Lơ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian. Giữa tháng 2-2025, ngành văn hóa Đồng Nai đã tổ chức lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân Phạm Lơ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là sự ghi nhận xứng đáng đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong suốt mấy chục năm qua cùng bộ môn nghệ thuật truyền thống được UNESCO vinh danh.

Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai do nghệ nhân dân gian Phạm Lơ làm chủ nhiệm biểu diễn, giao lưu trong trường học tại thành phố Biên Hòa năm 2025
Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai do nghệ nhân dân gian Phạm Lơ làm chủ nhiệm biểu diễn, giao lưu trong trường học tại thành phố Biên Hòa năm 2025
Đưa đờn ca tài tử đến với công chúng
Từ khi nghỉ hưu, nghệ nhân Phạm Lơ dành nhiều thời gian hơn cho công tác truyền dạy ĐCTT cho thế hệ trẻ, những người yêu thích và đam mê nghệ thuật truyền. Hàng tuần, tại Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đồng Nai) nằm trên đường 30-4 (thành phố Biên Hòa), Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Đồng Nai tổ chức tập luyện, biểu diễn, trở thành điểm đến sinh hoạt của đông đảo người yêu nghệ thuật. Ông luôn tìm tòi những cái mới để những người đã biết ĐCTT tích cực học tập, những người chưa biết cảm thấy hấp dẫn mà theo học.
Với tâm niệm “truyền lửa” và bảo tồn giá trị nghệ thuật ĐCTT, nghệ nhân Phạm Lơ thường xuyên mở các lớp học miễn phí, tham gia biểu diễn và chia sẻ kiến thức trên các nền tảng trực tuyến, góp phần đưa ĐCTT đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt, ông tích cực sử dụng công nghệ số, ghi âm, ghi hình, giới thiệu các bài bản mới, giúp người học ở xa có thể tiếp cận nghệ thuật ĐCTT một cách dễ dành, thuận lợi nhất.
“Nếu như trước đây, học ĐCTT phải có đầy đủ thầy đờn và thầy ca thì nay người học chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể tự học ở bất cứ nơi đâu. Tôi đã thu các bài bản vào CD, DVD và giới thiệu trên Facebook, YouTube. Trong đó có 20 bài bản tổ đã được tôi thu thành bộ karaoke nhằm bảo tồn, gìn giữ vốn quý và phục vụ cho công chúng yêu thích bộ nghệ thuật của dân tộc” - nghệ nhân Phạm Lơ chia sẻ.
Là một trong những người trẻ yêu nghệ thuật ĐCTT, tham gia tích cực các buổi tập luyện, các chương trình giao lưu, biểu diễn của Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Đồng Nai, chị Khánh Đan cho hay, được nghệ nhân Pham Lơ hướng dẫn ca diễn chị cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc. Dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của nghệ nhân Phạm Lơ, chị tham gia nhiều liên hoan, hội diễn ĐCTT toàn quốc và khu vực, đoạt nhiều huy chương. Đây vừa là vinh dự, vừa là động lực để người trẻ như chị tiếp tục giữ lửa đam mê và lan tỏa nghệ thuật ĐCTT trong cộng đồng.
Nói về những danh hiệu đã được công nhận và đang được đề nghị xét tặng, nghệ nhân Phạm Lơ phấn khởi bộc bạch: “Lâu nay, tôi chỉ biết làm việc, cống hiến hết mình cho nghệ thuật ĐCTT trên quê hương Đồng Nai. Tôi cảm thấy rất vui và như được tiếp thêm năng lượng khi được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, lấy ý kiến cộng đồng rất bài bản để đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho tôi. Quả thực, ĐCTT đã không phụ lòng người”.