(CTT-Đồng Nai) - Văn hóa dân gian đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một địa phương, một quốc gia. Ở Đồng Nai, các thế hệ hôm nay đã và đang thực hành, phát triển văn hóa dân gian để văn hóa dân gian được tái sinh trong một diện mạo mới, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá, phát huy giá trị văn hóa dân gian Đồng Nai trong đời sống hiện đại.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính đi thực tế vùng đồng bào Chăm, H.Xuân Lộc để ghi lại những bài hát của bà con, tập hợp thành băng đĩa
Nhạc sĩ Trần Viết Bính đi thực tế vùng đồng bào Chăm, H.Xuân Lộc để ghi lại những bài hát của bà con, tập hợp thành băng đĩa
Nhiều năm qua, Bảo tàng Đồng Nai đều đặn tổ chức nhiều chuyến đi thực địa, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó có tổ chức kiểm kê văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống các dân tộc tại thành phố Long Khánh và H.Xuân Lộc; tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên dân tộc Chơ Ro tại xã Túc Trưng, H.Định Quán. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh thực hiện phim tư liệu Văn nghệ dân gian của dân tộc Tày, Mường ở Đồng Nai phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai, giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân…
Đặc biệt, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mới đây đã lập dự án: Công bố và phổ biến tài sản Văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam, trong đó có một nội dung rất quan trọng là “số hóa” kho tàng văn hóa dân gian. Hoạt động này vô cùng cần thiết trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, để mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận với các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính (hội viên Ban Văn nghệ dân gian, Hội VHNT Đồng Nai) cho biết, việc số hóa văn nghệ dân gian được ông thực hiện từ nhiều năm trước. Cụ thể, ông đã đi về các địa phương trong tỉnh, gặp gỡ đồng bào các dân tộc bản địa như: S’tiêng, Chơro, Mạ, C’ho… để ghi lại những bài hát, những từ ngữ của đồng bào. Sau đó, ông tập hợp những bản thảo, tài liệu, ghi âm, ghi hình… thành những băng đĩa, lưu giữ cẩn thận cho đến ngày hôm nay.
“Trước khi Đồng Nai thực hiện chuyển đổi số, bản thân tôi đã có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, được thực hiện bằng cách ứng dụng công nghệ trong quá trình tìm kiếm và lưu trữ tác phẩm. Năm 2018, tôi đã trao tặng 1,6 ngàn hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, gồm: Băng; đĩa; âm nhạc và sách về văn nghệ dân gian… Tôi cho rằng, việc trao tặng số lượng lớn những giá trị văn hóa dân gian Đồng Nai cho bảo tàng sẽ là đóng góp hữu ích vào việc giữ gìn, phát huy trong đời sống hôm nay, đưa các giá trị này đến gần hơn với người trẻ” - nhạc sĩ Trần Viết Bính bộc bạch.
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian vào đời sống, nhất là trong thời đại số là một quá trình dài, thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều cấp, từ tỉnh đến cơ sở. Trong khi đó, nguồn nhân lực tham gia vào công tác sưu tầm, tuyển chọn, truyền nghề ở Đồng Nai hiện nay vẫn còn mỏng, đang có xu hướng bị “già hóa”, trong khi lớp trẻ lại đam mê với nghiên cứu văn hóa dân gian không nhiều, rất ít người mặn mà với công việc có vẻ “xưa cũ” này… Điều này đòi hỏi rất lớn sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân.
Không chỉ với văn hóa dân gian mà với tất cả các loại hình văn học nghệ thuật, một trong những vấn đề được quan tâm là trên nền tảng số vấn đề bản quyền sẽ được thực hiện như thế nào?. Làm thế nào để không bị sao chép và làm thế nào để không nhận những gì không phải của mình thành của mình.

Cán bộ Bảo tàng Đồng Nai (thứ 2 từ phải qua) tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa đồng bào Mường tại xã Túc Trưng, H.Định Quán để thực hiện các phim tư liệu
Cán bộ Bảo tàng Đồng Nai (thứ 2 từ phải qua) tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa đồng bào Mường tại xã Túc Trưng, H.Định Quán để thực hiện các phim tư liệu
Tác giả trẻ Ninh Thị Vui (Ban Văn nghệ dân gian, Hội VHNT Đồng Nai) cho rằng, đối với những công trình lớn, điều quan trọng là phải có đăng ký sở hữu trí tuệ. Đối với số hóa hiện vật văn hóa dân gian của các cơ quan, đơn vị cần chủ động đính kèm logo của đơn vị mình vào trong từng hình ảnh, công trình, video clip. Đó là cách tốt nhất để khẳng định sở hữu.