Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phòng các bệnh lây truyền qua thực phẩm

(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai và tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với số người mắc lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm người, gây rất nhiều hệ lụy như tổn hại tính mạng, sức khỏe, ngày công lao động và kinh phí điều trị.

Thực phẩm bán rong đang tràn lan, khó kiểm soát về chất lượng và sự an toàn, dễ gây nguy cơ ngộ độc
Thực phẩm bán rong đang tràn lan, khó kiểm soát về chất lượng và sự an toàn, dễ gây nguy cơ ngộ độc

Liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm

Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm ở tiệm bánh mì Cô Băng tại thành phố Long Khánh khiến hơn 500 người mắc vào đầu tháng 5-2024. Đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.

Salmonella là một loại vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy, thường xuất hiện qua đường ăn uống. Khi xâm nhập vào cơ thể, Salmonella sẽ sinh ra độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thịt, nội tạng sống có chứa rất nhiều mầm bệnh như khuẩn Salmonella, E.coli hay vi khuẩn Listeria monocytogenes… Những khuẩn này chỉ bị tiêu diệt khi được nấu chín. Do đó, khi ăn thịt, nội tạng động vật sống, nguy cơ ngộ độc rất cao, thậm chí là có thể tử vong nếu nhiễm một lượng đủ lớn khuẩn Salmonella.

Hiện công tác quản lý chất lượng thực phẩm vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Do đó, việc lựa chọn ăn gì, ăn như thế nào để vừa bảo đảm dinh dưỡng cho bản thân, vừa tránh được bệnh tật là việc mọi người cần cân nhắc.

Cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm và ăn uống

Theo nhận định của ngành chức năng, ngộ độc thực phẩm xảy ra có nhiều nguyên nhân, nhưng nguy cơ gây ngộ độc phần lớn do ăn uống không đúng cách, chế biến không hợp vệ sinh, nguồn thực phẩm không an toàn, nhất là ăn các loại thịt sống, huyết sống. Đặc biệt, nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu khi ăn tiết canh hoặc bị các bệnh nguy hiểm lây truyền qua thực phẩm khi ăn một số loại thịt, nội tạng, thủy hải sản tái, sống…, đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo về nhưng nhiều người vẫn ăn và đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.

Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã từng tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, sán não, các bệnh liên quan ký sinh trùng… Phần lớn những ca này khai có thói quen ăn thực phẩm tái, sống. Đặc biệt, khoa từng tiếp nhận bệnh nhân có lượng sán trong người rất lớn, sán bò lên cả não, vào cả đáy mắt và nhiều bộ phận khác trong cơ thể; phổ biến là tình trạng ổ sán tụ dưới da và di chuyển liên tục khiến việc điều trị rất phức tạp.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, thực phẩm trong quá trình nuôi, trồng hoặc chế biến, đóng gói, bảo quản có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hay nấm… Đây chính là mầm gây bệnh cho con người. Khi những thức ăn chứa các vi sinh vật này được đưa vào cơ thể, chúng sẽ tồn tại, sinh trưởng, làm tổn thương hoặc tiết ra các độc tố gây bệnh cho con người.

Bác sĩ Quyên cho biết, ngoài các dạng cấp như ngộ độc thực phẩm, còn có các bệnh âm thầm tích tụ, phát tác gây các bệnh: liên cầu khuẩn lợn, tiêu chảy, bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn, sán não, viêm gan do virus viêm gan A và E, bại liệt… Thậm chí còn có thể gây bệnh tiểu đường, béo phì và ung thư nếu ăn quá nhiều các loại thực phẩm chiên xào.

Để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh khuyến cáo, mọi người nên ăn chín, uống chín; lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, nguồn gốc an toàn và đảm bảo vệ sinh. Khi mua các loại thịt, cá, rau xanh nên chọn loại tươi mới; không sử dụng các loại thực phẩm bị nấm mốc. Đối với thực phẩm đóng hộp, đóng gói phải có nguồn gốc, hạn sử dụng; không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, chất hóa học trong chế biến thực phẩm. Đặc biệt, phải hạn chế ăn các món tái, sống; không ăn tiết canh và các món chế biến từ huyết sống của một số loài động vật.

“Trong quá trình chế biến, cần dùng nước sạch để rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến và nấu nướng thức ăn; ăn ngay thức ăn vừa nấu chín; bảo quản thức ăn sau nấu ở nơi sạch sẽ, thoáng và che đậy kín tránh nhiễm khuẩn; đồ dùng đựng thực phẩm sống, chín phải riêng biệt; rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống” - ông Nguyễn Đình Minh lưu ý.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh có nguồn gốc lây truyền từ động vật sang người. Trong đó, nhiều bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, ăn uống hàng ngày. Riêng việc ăn sống thịt, nội tạng động vật chưa qua chế biến làm tăng nguy cơ tử vong tới 13%.
Lam Khuê

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang