Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh
vừa ra kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố đối
với 74 bị can trong đường dây mua bán, sản xuất, buôn lậu xăng dầu (chuyên án 920G)
về các tội buôn lậu và nhận hối lộ.
Đây
được xem là chuyên án điều tra, triệt phá đường dây tội phạm trên lĩnh vực kinh
tế lớn nhất từ trước đến nay do Công an tỉnh xác lập. Các đối tượng liên quan
đến đường dây tội phạm này đã hoạt động trên phạm vi rộng khắp cả nước và vươn
ra cả nước ngoài.

Cán bộ,chiến sĩ Công an tỉnh lấy mẫu xăng tại
các kho xăng của Phan Thanh Hữu để giám định.
Từ đường dây mua bán xăng giả bị lộ
Theo
kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, qua công tác đấu tranh
phòng, chống tội phạm, lực lượng trinh sát Công an tỉnh xác định trên địa bàn
tỉnh có tình trạng pha chế xăng giả, buôn bán xăng nhập lậu của một số đối
tượng kinh doanh xăng dầu trên thị trường. Việc xăng giả, xăng kém chất lượng
được tiêu thụ công khai gây ảnh hưởng đến sự đảm bảo an toàn trong giao thông
cũng như trong hoạt động kinh doanh..., làm hoang mang dư luận trong quần chúng
nhân dân. Trước thông tin thu thập được, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công
an tỉnh đã xác lập chuyên án 920G để đấu tranh với nhóm tội phạm này.
Sau
khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi buôn lậu của các đối tượng
trong đường dây phạm tội nêu trên, ngày 6-2-2021, Công an tỉnh quyết định phá
án, tổ chức bắt quả tang Phạm Đức đang điều khiển xe bồn mang biển số
60C-279.76 vận chuyển xăng không có nguồn gốc, chứng từ về nhập tại trạm xăng
dầu 55555 đóng tại xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) do Nguyễn Thăng Long làm chủ để tiêu
thụ. Ngay sau đó, lực lượng trinh sát tiếp tục khám xét các cửa hàng xăng dầu
của Long tại các huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu để phục vụ công tác điều tra.
Ngay
trong tối 6-2-2021, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh cũng đã phối hợp
với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đồng loạt khám xét hàng loạt trạm xăng
dầu, cây xăng tại các tỉnh, thành phía Nam như: Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bà
Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM; khám xét tàu Nhật Minh 08, Nhật Minh 06 tại TX.Bình
Minh (tỉnh Vĩnh Long).
Song
song với việc khám xét, lực lượng công an tiến hành lấy mẫu xăng, dầu giám định
và kết quả xác định các mẫu xăng này đều là giả. Chỉ sau 2 ngày tiến hành thu
thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã có đủ cơ sở, chứng cứ tài liệu
và ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả... để điều
tra.
Chủ các doanh nghiệp bắt
tay buôn lậu xăng dầu
Theo
kết quả điều tra của cơ quan công an, qua các mối quan hệ quen biết từ trước,
Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh
tại TP.HCM) biết Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ TP.HCM) đang điều hành hoạt động
Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng (TP.Hải Phòng) chuyên mua bán và vận chuyển
xăng dầu và có quan hệ với một số cán bộ nên Hữu đã liên hệ lại với Viễn để bàn
bạc, thỏa thuận góp vốn thực hiện hành vi buôn lậu xăng từ Singapore về Việt
Nam tiêu thụ. Kể từ đó, các đối tượng này đã cấu kết với một số cán bộ tổ chức
buôn lậu xăng dầu và thống nhất chia tỷ lệ phần trăm từ nguồn lợi này.
Để
việc vận chuyển, tiếp nhận xăng giả không bị phát hiện, các đối tượng khai nhận
đã bố trí các tàu vận chuyển từ nước ngoài neo đậu tại khu vực cột mốc số không
(vùng biển quốc tế), sau đó sử dụng các tàu vận tải ra tiếp nhận. Riêng các tàu
vận chuyển xăng vào địa phận Việt Nam, Viễn điều động các tàu tải trọng từ 3-5
ngàn tấn và do các thuyền trưởng Trần Văn Việt (37 tuổi), Lê Đình Hùng (42
tuổi) điều khiển. Để hợp thức hóa và che giấu hành vi phạm tội của mình, Viễn
đã ký kết với một số tàu của các công ty khác trong việc vận chuyển xăng dầu từ
Singapore về Việt Nam.
Đối
với Phan Thanh Hữu, để che giấu hành vi buôn lậu, đối tượng này đã thuê Đinh
Văn Đoàn (53 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu) đứng tên đại diện pháp luật tại Công ty
TNHH Hải Minh Nhật (đóng tại TP.Vũng Tàu) và thuê nhiều thủy thủ điều hành các
tàu chở dầu của mình.
Làm
việc với cơ quan công an, các đối tượng khai mỗi chuyến tàu chở xăng dầu lậu từ
nước ngoài về Việt Nam, các đối tượng trả cho chủ tàu từ 1,6-2,6 tỷ đồng. Mỗi
lần mua xăng lậu, các đối tượng thường chi từ 400 ngàn đến 1,2 triệu USD; mỗi
tháng, các đối tượng vận chuyển từ 3-6 chuyến; mỗi chuyến vận chuyển từ 3,8-5
triệu lít xăng.
Theo
điều tra của cơ quan công an, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu và Viễn
cùng các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng
lậu, trị giá gần 2,8 ngàn tỷ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi
hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, cơ quan công an xác định, Hữu đã hưởng lợi hơn 100
tỷ đồng.
Thủ
đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi. Nhằm đối phó với cơ quan chức
năng, Hữu đã sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Hải Nhật Minh lập hợp đồng khống
nhận vận chuyển xăng cho Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh (cũng do Hữu làm giám
đốc) và giao cho các thuyền trưởng khi bị kiểm tra. Đối với nguồn xăng lậu khi
được tập kết, các đối tượng đã thuê kho tại Bến Lức, tỉnh Long An và TP.HCM,
giao cho một đối tượng khác quản lý; đồng thời, tạo lập các nguồn chứng từ hợp
pháp khi bán ra thị trường. Ngoài ra, do xăng dầu nhập lậu từ nước ngoài có màu
trắng nhưng xăng dầu tiêu thụ trong nước có màu vàng nhạt nên các đối tượng đã
dùng chất bột màu vàng để tạo màu trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.
Quá
trình điều tra, cơ quan công an còn xác định hàng chục đối tượng khác tham gia
vào đường dây buôn lậu xăng dầu với quy mô cực lớn này. Trong đó, phần lớn là
các thủy thủ, thuyền trưởng, thuyền phó, nhân viên phục vụ trong các công ty
của các đối tượng cầm đầu là: Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn...;
quản lý, nhân viên trong các công ty chuyên kinh doanh xăng dầu lớn tại các địa
phương.
Hối lộ cán bộ chống buôn lậu
Theo
điều tra của cơ quan công an, trong quá trình thực hiện hành vi nhận xăng nhập
lậu của Phan Thanh Hữu ở tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Hữu Tứ nhận được thông tin có
lực lượng của Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đang triển khai lực
lượng bắt giữ các tàu Nhật Minh của Hữu khi đến giao xăng nên đã báo cho Hữu
biết.
Nhận
được thông tin, Hữu yêu cầu Tứ tìm mọi cách gặp gỡ Ngô Văn Thụy là Đội trưởng
Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để “giải quyết”.
Cuối
tháng 1-2021, Tứ điện thoại cho Thụy xin gặp mặt và được Thụy đồng ý. Tại thời
điểm này, Thụy đang cùng các cán bộ Đội 3 do Thụy điều động đến TP.Cần Thơ để
triển khai việc bắt giữ các tàu Nhật Minh có hành vi vận chuyển xăng nhập lậu
tại TX.Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long).
Tại
cuộc gặp này, Tứ đã đưa cho Thụy 1 phong bì bên trong có 10 ngàn USD, đồng thời
đặt vấn đề: “Anh Hữu nhờ em đến gặp anh để nhờ anh tạo điều kiện cho các tàu
Nhật Minh của anh Hữu chở xăng về Mỹ Hòa bán cho em”. Tuy nhiên, Thụy không
nhận và trả lời rằng: “Anh không hứa”. Sau đó 1 ngày, Tứ tiếp tục hẹn gặp Thụy
tại nhà riêng của Thụy để ăn nhậu và tiếp tục đưa phong bì 10 ngàn USD và một
thẻ ATM bên trong có 100 triệu đồng. Sau khi đưa được khoản tiền trên cho Thụy,
Tứ gọi điện báo cho Hữu là đã “hoàn thành nhiệm vụ” và cho biết “thái độ của
Thụy chưa hài lòng”.
Sau
đó, đích thân Hữu đến nhà gặp Thụy và đưa thêm 500 triệu đồng. Trong quá trình
điều tra, bị can Thụy thừa nhận đã nhận số tiền nói trên từ Tứ và Hữu.
Tùng Dương