Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Làm sản phẩm OCOP cho nông sản chủ lực

(CTT-Đồng Nai) - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Đồng Nai, nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng, gắn liền với việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản thế mạnh của địa phương. Điều này phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn, thu hút đầu tư chế biến để có đầu ra bền vững. Các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung quy hoạch, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đa dạng sản phẩm OCOP là các loại trái cây, nông sản thế mạnh của huyện Xuân Lộc được trưng bày, giới thiệu nhân sự kiện huyện Xuân Lộc sơ kết chương trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Ảnh: Song Lê
Đa dạng sản phẩm OCOP là các loại trái cây, nông sản thế mạnh của huyện Xuân Lộc được trưng bày, giới thiệu nhân sự kiện huyện Xuân Lộc sơ kết chương trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Ảnh: Song Lê

Sản phẩm OCOP tăng cả về số lượng và chất lượng

Với diện tích hơn 78.400 hécta cây ăn trái và hơn 90.800 hécta cây công nghiệp, Đồng Nai là một tỉnh có nền nông nghiệp đa dạng. Nhờ đầu tư vào hạ tầng, tỉnh đã hình thành 321 vùng sản xuất tập trung, trong đó có 10 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (gần 11.900 hécta) và 8 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (4.400 hécta).
 
Đây là lợi thế để các địa phương khai thác, xây dựng các sản phẩm OCOP cho các nông sản thế mạnh của địa phương. Theo đó, từ khi triển khai đến nay, chương trình OCOP của tỉnh không ngừng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
 
Năm 2024 đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Chương trình OCOP tại Đồng Nai, với sự tham gia tích cực từ cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Kết quả, toàn tỉnh có thêm 109 sản phẩm OCOP từ 64 chủ thể, vượt xa mục tiêu ban đầu là 43 sản phẩm. Đặc biệt, 17 sản phẩm từ 7 chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Đến nay, Đồng Nai đã có tổng cộng 282 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, do 165 chủ thể thực hiện, trong đó có 54 sản phẩm đạt 4 sao, vượt 45% chỉ tiêu đề ra cho năm 2025. Thành tích này đã đưa Đồng Nai lên vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP.
 
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu nỗ lực cuối cùng để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025. Ngay từ đầu năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào việc phát triển các sản phẩm thế mạnh, gắn liền với các vùng trồng đặc trưng. Mục tiêu cụ thể là đạt thêm 45 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
 
Để đạt được mục tiêu này, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xúc tiến thương mại, đồng thời chú trọng đến việc kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP. Điều này nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm OCOP không chỉ là hàng hóa thông thường mà còn là những sản phẩm có thương hiệu uy tín, chất lượng cao và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều sản phẩm chế biến từ trái cây của Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương, huyện Định Quán đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: Song Lê
Nhiều sản phẩm chế biến từ trái cây của Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương, huyện Định Quán đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: Song Lê

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Theo các doanh nghiệp và hợp tác xã, những đơn vị đóng vai trò chủ thể trong việc tạo ra sản phẩm OCOP, yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững cho các sản phẩm này chính là việc đầu tư mạnh mẽ vào khâu quảng bá, nâng cao độ nhận diện thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Việc tăng cường quảng bá giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, xây dựng được hình ảnh thương hiệu uy tín. Đồng thời, việc mở rộng các kênh phân phối và tăng cường xúc tiến thương mại sẽ giúp sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, tăng doanh số bán hàng và đảm bảo sự phát triển bền vững.
 
Các chủ thể OCOP ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kể câu chuyện sản phẩm, xem đây là yếu tố then chốt để gia tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Một sản phẩm thông thường có thể trở nên đặc biệt và thu hút hơn khi được gắn liền với những câu chuyện. Những câu chuyện này có thể xoay quanh các giá trị văn hóa truyền thống, sự độc đáo về nguồn gốc và công dụng, hoặc quá trình hình thành và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Câu chuyện sản phẩm có thể là niềm tự hào về giá trị tài nguyên địa phương, nét văn hóa đặc trưng, hoặc tâm huyết và kỳ vọng của người tạo ra sản phẩm. Việc truyền tải những câu chuyện này giúp khách hàng hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của sản phẩm, từ đó tạo dựng lòng tin và sự gắn kết. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, việc tạo ra sự khác biệt thông qua câu chuyện sản phẩm là vô cùng quan trọng.
Với sự tham gia của nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã, chương trình OCOP đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong việc xây dựng câu chuyện sản phẩm.

Các chủ thể không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn đầu tư vào bao bì, mẫu mã và thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhận xét các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng, chất lượng có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ vào sự đầu tư về mẫu mã, bao bì và ứng dụng công nghệ, sản phẩm OCOP đã có tiềm năng xuất khẩu lớn, được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo đánh giá của các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh, OCOP là chương trình hiệu quả thu hút đầu tư chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với sự đa đạng về số lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Song Lê

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang