(CTT-Đồng Nai) - Chiều ngày 17-2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì Hội thảo Giải pháp cần tập trung ưu tiên thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kết luận tại hội thảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kết luận tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đồng Nai đạt gần 260,3 ngàn tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ, là 1 trong 4 tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 vừa qua của Đồng Nai đạt hơn 62 ngàn tỷ đồng ,duy trì vị trí thứ 6 cả nước về thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% trong bối cảnh tỉnh Đồng Nai đang triển khai hàng loạt dự án, công trình trọng điểm; các cực tăng trưởng kinh tế tỉnh Đồng Nai còn trong giai đoạn xây dựng là thách thức không nhỏ.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.
Nhận diện, khắc phục những điểm nghẽn
Theo Kế hoạch số 49/KH-UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung ưu tiên thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025 trên địa bàn Đồng Nai, một trong những nội dung quan trọng là nhận diện để khắc phục những điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đồng Nai nhiều năm qua. Tiêu biểu như giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp kéo dài nhiều năm liền dẫn đến vốn đầu tư công không tạo được động lực để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, chưa tạo được động lực cho tăng trưởng GRDP.
Hiện Quy hoạch xây dựng 4 đô thị Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom chưa phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các phân khu đô thị tại thành phố Biên Hòa, Long Khánh, hyện Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa nên chưa đủ điều kiện để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án để mời gọi đầu tư. Các khu công nghiệp chưa phát huy được động lực tăng trưởng do tại các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động vẫn còn 800 hécta đất chưa hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa nên không còn quỹ đất lớn cho thuê. Các khu công nghiệp hiện hữu cho thuê hỗn hợp, chưa có nhà đầu tư lớn, ít dự án bán dẫn, công nghệ cao nên không tạo động lực tăng trưởng cao. Các khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư lại chưa được giao đất, cho thuê đất do vướng mắc liên quan đến đất cao su cần được tháo gỡ.
Ngoài ra, hàng loạt điểm nghẽn như: Công tác giải phóng mặt bằng chậm; nguồn lực tùa đấu giá đất không đạt yêu cầu; công tác giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án rất hạn chế nên các doanh nghiệp chưa đưa dự án vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách của tỉnh chủ yếu từ các nguồn thu truyền thống nên dù đạt dự toán hàng năm nhưng thấp hơn nhiều so với một số tỉnh, thành lân cận. Chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; các dự án nhà ở xã hội chưa đáp ứng mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.
Sự năng động của chính quyền các cấp, cán bộ chưa mạnh dạn đề xuất, tham mưu cũng như cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính đối với triển khai các dự án đầu tư còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất cũng gây khó cho công tác tham mưu xử lý các thủ tục hồ sơ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.
Đồng bộ triển khai các nhóm giải pháp
Tại hội thảo, các các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là các chuyên gia tư vấn chiến lược của tỉnh đã tập trung kiến nghị, đề xuất các nhóm giải pháp ngắn hạn trong năm 2025 cũng như nhóm giải pháp giải hạn cần tập trung ưu tiên thực hiện như: cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công, đầu tư tư; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, đầu tư mở rộng, đầu tư mới, đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; có cơ chế kích cầu tiêu dùng, kích cầu xuất khẩu; xác định và tập trung phát triển những lĩnh vực và khu vực kinh tế có mức tăng trưởng đột phá... Đồng Nai cần khai thác thế mạnh phát triển công nghiệp; phải ưu tiên đầu tư công, là cơ sở để dẫn dắt đầu tư tư nhân. Mục tiêu của tăng trưởng kinh tế phải là xã hội, phải tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế Đồng Nai phải kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; nhất là phải phát triển hạ tầng, đô thị sân bay; phát triển kinh tế số găn với thực hiện chuyển đổi số...
Kết luận tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, năm 2025, Đồng Nai đề ra 33 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Trong đó có chỉ tiêu hết sức quan trọng là tăng trưởng kinh tế đạt 10% năm 2025. Để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau.
Nhiệm vụ trong ngắn hạn, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố tổng hợp, cập nhật chương trình công tác UBND tỉnh trong năm 2025. Yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện/thành phố nghiêm túc triển khai các giải pháp cụ thể của đơn vị mình; rà soát bổ sung giải pháp mang tính đột phá; xác định thời gian, trách nhiệm từng đầu việc cụ thể; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai và có chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc để đảm bảo các nhiệm vụ trong năm 2025 đạt kết quả và hiệu quả cao nhất. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, yêu cầu Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy trước ngày 20-2- 2025 để sớm đưa bộ máy đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Đối với cải thiện môi trường đầu tư, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khẩn trương triển khai hiệu quả Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phải cải thiện bằng được môi trường đầu tư tỉnh Đồng Nai để các doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sở ngành, địa phương liên quan cần chủ động triển khai hiệu quả việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển qua thực hiện công tác đấu giá đất, giải ngân đầu tư công, tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ đề ra nhất là với các dự án trọng điểm; tập trung triển khai và đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác lập Quy hoạch và chỉnh trang đô thị.
Trong dài hạn, Đồng Nai cần loại bỏ các rào cản về thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số và thu hút đầu tư; cần linh hoạt, bám sát xu hướng thị trường, công nghệ, thích ứng nhanh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý với 4 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là thay đổi tư duy từ bị động sang chủ động trong hoạch định, triển khai công việc, tận dụng tối đa các cơ hội, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thứ 2 phải phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững; thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, sản xuất bán dẫn, tự động hóa, blockchain và dữ liệu lớn. Thứ 3, phải xây dựng mô hình kinh té xanh và tuần hoàn, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, áp dụng mô hình sản xuất khép kín, giảm thiểu rác thải và khí thải carbon nhằm đảm bảo phát triển bền vững và tăng khả năng hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ 4, phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu; thu hút đầu tư vào giáo dục để nâng tầm trình độ lao động địa phương.