(CTT-Đồng Nai) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp khó khăn, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp (DN) là vô cùng cấp thiết, nhất là vào giai đoạn nước rút chuẩn bị đơn hàng dịp cuối năm.

Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa
Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa
DN cần tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu khi mà doanh thu, lợi nhuận bị sụt giảm bởi thị trường thiếu ổn định, khó khăn về đầu ra. Do đó, cần có thêm cầu nối giữa ngân hàng và DN để đảm bảo các trình tự, thủ tục vay vốn đơn giản hơn, qua đó kịp thời bổ sung thêm nguồn vốn cho các DN trong giai đoạn hiện nay.
Đến cuối tháng 8 vừa qua, lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam liên tục được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm từ 0,5-2%/năm. Bên cạnh đó, trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Bởi trong bối cảnh, tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng cũng khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực giải ngân nguồn vốn đã huy động.
Theo số liệu từ NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 8-2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2022, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%. Trên địa bàn tỉnh, theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 352,8 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 6,6% so với cuối năm ngoái, trong khi mức tăng trưởng này ở cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 16%.
Tốc độ tăng trường tín dụng chậm lại, trong khi nhiều DN lại rất cần nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để DN tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng lại không dễ do nhiều DN chưa đáp ứng được điều kiện, yêu cầu để vay vốn. Đó là một nghịch lý trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, một trong những khó khăn hiện nay của DN đó chính là việc tiếp cận nguồn vốn. Thực tế là một số ngân hàng đang “thừa tiền” trong khi nhiều DN lại đang thiếu vốn để sản xuất nhưng lại không dám vay vốn do còn vướng về thủ tục vay vốn, nhất là đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất. Thậm chí, nhiều DN hiện chưa biết vay để làm gì khi sản xuất gặp khó khăn, đơn hàng sụt giảm, thị trường đầu ra trồi sụt…
Các giải pháp điều hành chính sách của NHNN Việt Nam đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù ngành Ngân hàng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, tuy nhiên, do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng nên nhiều DN “ngại” vay vốn. Do đó, nhiều gói vay, chương trình tín dụng vẫn chờ người vay.
Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, một trong những khó khăn trong quá trình giải quyết các thủ tục vay vốn đối với các chương trình hỗ trợ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ là nhiều DN thực sự rất khó khăn nhưng không đủ tài liệu chứng minh bị sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước, thiếu phương án kinh doanh khả thi… Nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều DN khó có thể dự báo được mức độ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, do vậy có trường hợp DN còn e ngại vay vốn trong giai đoạn này.
Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Tạ Thành Long cho biết, Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng và DN nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường yêu cầu thời gian tới, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN Việt Nam về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. NHNN chi nhánh Đồng Nai cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động xây dựng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn theo quy định.