(CTT-Đồng Nai) Tại Đồng Nai, ngoài các khoản vay tín dụng chính sách, vay thế chấp, người khó khăn cần vốn làm ăn còn được tiếp cận với các nguồn vốn cộng đồng.

Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao vốn hỗ trợ cho nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam tự tạo việc làm vào tháng 1-2023.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao vốn hỗ trợ cho nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam tự tạo việc làm vào tháng 1-2023.
Nhờ vậy mà nhiều cơ hội việc làm đã đến với những người thiếu vốn.
Vui với nguồn vốn nhỏ
Hiện số tiền mà mỗi trường hợp được vay từ nguồn vốn cộng đồng dao động bình quân từ 2 đến 20 triệu đồng tùy vào nhu cầu, phương án sử dụng vốn. Cá biệt có nơi cho vay đến 50 triệu đồng. Những khoản vay này được sử dụng làm vốn bán vé số, mua bán ve chai, mua các loại máy móc phục vụ công việc tại nhà.
Đây là năm thứ 5, nạn nhân chất độc da cam Lê Thành Công (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được vay vốn từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Số tiền được vay giúp ông có thêm điều kiện để mua thiết bị về để sửa chữa đồ điện gia dụng cho khách, giúp ông có thêm thu nhập để nuôi con đi học.
Còn với ông Phạm Minh Nghĩa (khuyết tật chân, ở trọ tại H.Long Thành) số vốn mà ông được nhận là 200 tờ vé số để đi bán dạo. Chịu khó đi và nhờ may mắn nên 1 năm qua, mỗi ngày ông kiếm được gần 200 ngàn đồng. Tiết kiệm trong chi tiêu cũng giúp ông trả tiền nhà trọ, ăn uống hằng ngày. Ông Nghĩa là một trong số 70 thành viên đang được gia đình bà Đào Thị Một (ngụ TT.Long Thành) hỗ trợ vốn bán vé số từ nguồn vốn cộng đồng trong thời gian qua.
Hiện ngày càng có nhiều nguồn vốn cộng đồng được tạo dựng để hỗ trợ người dân khó khăn về vốn tương tự như trường hợp của ông Lê Thành Công và ông Phạm Minh Nghĩa.
Cụ thể, theo ông Hồ Đình Hồng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), phường có 7 chi hội người cao tuổi với hơn 2 ngàn hội viên cho hay, trong quá trình hoạt động, các chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ trị giá hơn 900 triệu đồng để sử dụng cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn vay buôn bán nhỏ, làm chi phí duy trì sinh hoạt của 19 CLB văn hóa, thể thao, tổ chức các hội thi văn hóa - thể thao hàng năm.
Ngoài ra, thông qua đóng góp của các tổ chức, cá nhân dành cho Quỹ Vì người nghèo nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận dụng để hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, gia đình khó khăn. Mỗi trường hợp được vay từ 15-20 triệu đồng để làm kinh tế. Trong số này, có 52 phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn với tổng số tiền trên 507 triệu đồng. Đồng thời, thông qua thực hiện dự án Ngân hàng bò, có 49 con bò được hội chữ thập đỏ các cấp trao cho hộ khó khăn tại 2 huyện: Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh với tổng trị giá 197 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, hội cấp xã, phường, thị trấn đang cho từ 3-5 hội viên vay vốn khoảng 5-15 triệu đồng. Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố đang trợ giúp vốn cho 100 trường hợp với số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Những khoản vay này được sử dụng làm vốn bán vé số, mua bán ve chai, mua các loại máy móc phục vụ công việc tại nhà. Từ đó, số tiền vay mỗi người khác nhau và dao động từ 2-20 triệu đồng.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Biên Hòa Nho Văn Lịch khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác Mặt trận ở cơ sở trong đó có vận động nguồn lực hỗ trợ người khó khăn
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Biên Hòa Nho Văn Lịch khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác Mặt trận ở cơ sở trong đó có vận động nguồn lực hỗ trợ người khó khăn
Đôi bên cùng giữ vốn
Điểm chung của các chương trình cho vay này là nguồn tiền hoàn toàn từ cộng đồng. Thêm vào đó, khoản vay mà mỗi người được nhận tương đối nhỏ và hầu như lãi suất bằng 0 hoặc chỉ mang tính tượng trưng. Một số nơi sau quá trình người vay hoàn trả, người cho vay hay hội đoàn thể tặng lại vốn cho người vay.
Do vậy, để bảo tồn, phát huy nguồn vốn này đòi hỏi cả bên cho vay và người vay cùng phát huy tinh thần trách nhiệm. Trước tiên, trong quá trình thực hiện cho vay cần xem xét kỹ nhu cầu và mục đích vay, nhân thân là điều quan trọng. Đồng thời, do là nguồn vốn của cộng đồng đóng góp nên việc cho vay đúng đối tượng, thu - chi minh bạch là rất cần thiết.
Theo bà Đào Nguyên, thông qua các chương trình vận động quỹ hội để thực hiện hỗ trợ, chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hỗ trợ vốn vay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tiếp nhận sự đóng góp tích cực từ cộng đồng, giúp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chủ động thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó có trao vốn cho nạn nhân, người khuyết tật. Quá trình cho vay vốn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh làm kỹ lưỡng từ khâu khảo sát thực tế, theo dõi quá trình sử dụng vốn của người vay. Nhờ vậy thời gian qua không xảy ra tình trạng mất vốn đối với người vay.
Một yếu tố quan trọng khác là người vay cần sử dụng vốn đúng mục đích, cân nhắc kỹ trước khi đưa vốn vào đầu tư. Đồng thời, có ý thức tự giác trong việc hoàn trả vốn đã vay.