Nguyễn Phúc Ngọc Vạn là con gái thứ hai của chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Sãi (ở ngôi 1613-1635), có 15 người con (11 công tử và 4 công nữ), trong đó Công nữ Ngọc Vạn được gả cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II. Bà là người góp công khai phá vùng đất Nam bộ nói chung, Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng.

Tháp mộ tưởng niệm Công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai
Tháp mộ tưởng niệm Công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai
Có lẽ trong chúng ta, hầu như ai cũng đã từng nghe nhiều đến sự kiện công chúa Huyền Trân vâng mệnh thượng hoàng Trần Nhân Tông làm dâu Chiêm Thành, đổi lại vua Chiêm dâng hai châu Ô, châu Lý (khu vực từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) làm sính lễ. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình Nam tiến của người Việt. Không chỉ dừng lại đó, trong lịch sử nước Nam còn có những bậc “nữ nhân” thầm lặng đóng góp công sức to lớn cho quá trình “mở cõi” của người Việt về phía Nam, đặc biệt là trường hợp của hai vị Công nữ là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa.
Có dịp đến tháp mộ tưởng niệm Công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nhiều người không khỏi xúc động khi đọc được bài thơ “Cảm vịnh hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa” của thi sĩ Trần Tuấn Khải (1895-1983):
Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài,
Nghìn xưa Trưng - Triệu đã từng oai.
Noi gương Khoa - Vạn, hai công chúa,
Một sớm ra đi mở đất đai.
Công nữ Ngọc Vạn, Ngọc Khoa là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cuốn sách Nguyễn Phúc tộc Thế phả cho biết, Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành là Po Romê vào năm Tân Mùi (1631), còn Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II vào năm Canh Thân (1620). Nhờ những cuộc “hôn phối” này mà tình giao hảo giữa xứ Đàng Trong với các nước láng giềng được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể yên tâm dồn lực đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài; đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Theo Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong, đầu thế kỷ 17, đã có nhiều người Việt đến hai xứ Đồng Nai và Mô Xoài (vùng Bà Rịa ngày nay) để khai khẩn. Vua Chân Lạp là Chey Chetta II khi đó muốn tìm đối lực để chống lại quân Xiêm nên xin cưới một Công nữ nhà Nguyễn làm Hoàng hậu. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh Chân Lạp, sau này bà Hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người giữ trọng trách trong triều, bà lại lập xưởng thợ và nhiều nhà buôn bán gần kinh đô. Năm 1623, một sứ bộ của Chúa Nguyễn sang Chân Lạp, yêu cầu được mở cơ sở ở Prey Kor (Sài Gòn) đặt ở đấy một sở thuế và được chấp nhận.
Sau khi Chey Chetta II qua đời, triều đình Chân Lạp có nhiều hỗn loạn, tranh giành quyền lực, bà Ngọc Vạn về ở Sài Gòn. Do ảnh hưởng lớn của bà và can thiệp của Chúa Nguyễn, vương quốc Chân Lạp không bị rơi vào tay của nước Xiêm đang bành trướng về phía Đông; đồng thời lưu dân Việt đến Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai ngày càng đông, dân Chân Lạp nhường đất, lánh đi nơi khác… Có thể nói, đối với Nam bộ, đặc biệt là với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Công nữ Ngọc Vạn đã có công to lớn cho việc hình thành và phát triển vùng đất này.
Sống tại Sài Gòn một thời gian, bà Ngọc Vạn sau đó lui về sống ở Bà Rịa. Tại đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày nay), rồi ẩn tu. Những năm cuối đời, bà Ngọc Vạn rời chùa Gia Lào, về sống tại Dã Lê Chánh, phủ Hương Thủy, Thừa Thiên Huế (nay là xã Thủy Vân, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nơi đây vẫn còn phần mộ, sắc phong, miếu thờ của bà. Đây thực sự là những nguồn tư liệu quý giá, cần được các nhà khoa học, nghiên cứu tiếp tục kiểm chứng, làm sáng tỏ hơn về thân thế sự nghiệp của Công nữ Ngọc Vạn.