Thêm nhiều mô hình hòa giải ở cơ sở mới, hiệu quả

Thứ năm - 30/05/2024 17:30
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Vừa qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, đoàn đã ghi nhận thêm nhiều mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả.
Đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh làm việc tại huyện Vĩnh Cửu.
Đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh làm việc tại huyện Vĩnh Cửu.

Chia sẻ cách làm hiệu quả
Một trong những mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả là mô hình Tổ Hòa giải ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. Thời gian qua, mô hình này thường xuyên được lãnh đạo địa phương tuyên dương vì nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Tổ hòa giải “3 tốt” (phối hợp tốt; hòa giải tốt và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng hòa giải).

Chia sẻ tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp 5, xã Sông Trầu Lê Văn Sửu cho biết, mô hình Tổ Hòa giải ấp 5 được thành lập và đưa vào hoạt động từ năm 2007 cho đến nay nhằm giải quyết những phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình và hàng xóm. Hiện tổ có 5 thành viên là những người tâm huyết và làm việc rất có trách nhiệm. Bất kể ngày hay đêm, khi người dân gửi đơn hoặc gọi điện đến nhờ giúp đỡ thì các thành viên của tổ nhanh chóng xuống hiện trường để tìm hiểu và giải quyết kịp thời cho người dân. Hầu hết các vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong Nhân dân đều hòa giải thành.

Ông Vương Đăng Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu cho hay, trên địa bàn xã hiện có 8 tổ hòa giải tại các ấp với tổng số 24 hòa giải viên. Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được lãnh đạo địa phương quan tâm và kịp thời củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Địa phương thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao trình độ cũng như năng lực nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng hoạt động hòa giải ngày càng nâng lên.

Trong năm 2023, 8 tổ hòa giải của xã Sông Trầu đã tổ chức hòa giải 25 trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, tranh chấp đường đi. Kết quả hòa giải thành là 23 vụ, đạt tỷ lệ hòa giải thành 92%. Mô hình Tổ Hòa giải ấp 5 là một trong những mô hình có kết quả hòa giải cao tại địa phương.

Còn theo ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), trên địa bàn xã đã củng cố, kiện toàn 6 tổ hòa giải tại các ấp với 36 thành viên là những người tâm huyết với công tác xã hội. Trong năm 2023, các tổ hòa giải đã tổ chức hòa giải 8/8 vụ thành, tỷ lệ đạt 100%. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 mô hình đạt hiệu quả cao cần nhân rộng gồm: Hội Nông dân với công tác hòa giải và Đội Thanh niên tình nguyện với công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu còn có một số mô hình hoạt động hiệu quả như: Tổ Hòa giải phụ nữ do Hội Phụ nữ xã Vĩnh Tân phụ trách, Tổ Liên gia an toàn do Công an xã Vĩnh Tân phụ trách…

Qua làm việc với một số địa phương, các thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đánh giá cao những mô hình hòa giải ở cơ sở khi hoạt động có hiệu quả. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở
Phát biểu tại buổi làm việc với địa phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Nguyễn Thị Kim Hương (trưởng đoàn) cho rằng, qua làm việc cho thấy, các tổ hoà giải ở cơ sở đã làm rất nhiều việc, trong đó có nhiều vụ hoà giải thành và gắn kết được tình cảm gia đình, hàng xóm nhưng chưa thể hiện đầy đủ trong báo cáo. Đề nghị địa phương bổ sung, hoàn thiện báo cáo nhằm thể hiện đầy đủ tính hiệu quả của mô hình hoà giải ở cơ sở.

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo địa phương triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng thực chất, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn. Trong đó, chú trọng huy động đội ngũ cán bộ, công chức của xã, đặc biệt là công an xã - những người có hiểu biết về pháp luật, tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các chương trình tập huấn, cung cấp các tài liệu, văn bản pháp luật liên quan nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hoà giải viên.

Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương...

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây