Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Chủ nhật - 02/06/2024 06:48
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Vừa qua, Sở Tư pháp đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác Bộ Tư pháp liên quan công tác giám định tư pháp (GĐTP). Chuyến làm việc đợt này nhằm trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm giúp cho GĐTP tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trưởng đoàn công tác, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đoàn Văn Hường phát biểu tại buổi làm việc với Đồng Nai
Trưởng đoàn công tác, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đoàn Văn Hường phát biểu tại buổi làm việc với Đồng Nai

Hiệu quả tích cực
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tổ chức GĐTP công lập (Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh; Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa trực thuộc Bộ Y tế) và Tổ chức GĐTP theo vụ việc trực thuộc Sở Xây dựng. Toàn tỉnh có 153 giám định viên tư pháp tại các sở, ngành và có 23 người làm công tác giám định theo vụ việc. Đến nay, hoạt động GĐTP đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Đại diện Cục Thuế Đồng Nai cho biết, thời gian qua, đơn vị luôn tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trao đổi chuyên môn để giám định viên thực hiện tốt công tác giám định; tạo điều kiện để giám định viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ GĐTP theo yêu cầu của cơ quan Tư pháp. Đến nay, không phát sinh trường hợp kết luận giám định nào do giám định viên tại Cục Thuế Đồng Nai thực hiện bị khiếu nại, tố cáo về GĐTP.
Ông Nguyễn Gió, Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai cho hay, thời gian qua, hoạt động GĐTP lĩnh vực pháp y tại trung tâm được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo khách quan và tuân thủ quy định của pháp luật về công tác giám định. Trung tâm đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc truy tố, xét xử và phán quyết hình phạt đối với các đối tượng phạm tội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết các yêu cầu xã hội.

Theo Phòng Kỹ thuật hình sự (PC09, Công an tỉnh), trong công tác giám định, PC09 thời gian qua luôn khách quan, thận trọng, chấp hành nghiêm Luật GĐTP năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2020, quy trình giám định; đảm bảo 100% số vụ giám định được kết luận chính xác, khoa học, kịp thời, phục vụ đắc lực công tác điều tra, xét xử của các đơn vị và cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Phan Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua, lực lượng giám định viên tăng cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng, tiến độ thực hiện kết luận giám định được thủ trưởng các sở, ngành quản lý giám định viên quan tâm, đôn đốc thực hiện, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm, giúp cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử xác định đúng người, đúng tội trong các vụ án.

Sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GĐTP còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, việc giám định giá trị thiệt hại một số loại tài sản chưa có quy định cụ thể, dẫn đến nhiều vụ việc do không định giá được tài sản nên không thể khởi tố để xử lý.

Bên cạnh đó, Luật GĐTP năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã hạn chế phạm vi, nhu cầu thành lập văn phòng giám định của tổ chức, cá nhân; chưa quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện, dẫn đến một số trường hợp còn đùn đẩy, chậm trễ thực hiện giám định.

Ngoài ra, phần lớn giám định viên chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ; các giám định viên kiêm nhiệm có tâm lý e ngại không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý cao, trong khi các điều kiện thực hiện giám định chưa bảo đảm. Chế độ bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg, ngày 1-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định viên tư pháp đã áp dụng gần 10 năm và không còn phù hợp với thời điểm hiện tại…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đoàn Văn Hường, Trưởng đoàn công tác, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, đoàn ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GĐTP ở Đồng Nai. Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo cho lãnh đạo Cục và Bộ Tư pháp để xem xét và có giải pháp trong thời gian tới.

Đồng thời, đoàn sẽ kiến nghị các bộ, ngành liên quan để tăng cường tổ chức tập huấn trong thời gian tới nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện nghiệp vụ giám định cho đội ngũ giám định viên. Đồng thời, đoàn đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP trong thời gian tới.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây