(CTT-Đồng Nai) - Trước thông tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tăng 6% mức lương tối thiểu vùng (LTTV) đối với người lao động (NLĐ) từ ngày 1-7-2024, nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh quan tâm và mong đợi, bởi tăng lương sẽ bù đắp trượt giá, đáp ứng mức sống tối thiểu.

Nhiều lao động đều mong chờ tăng lương để bù trừ trượt giá, nâng cao chất lượng cuộc sống
Nhiều lao động đều mong chờ tăng lương để bù trừ trượt giá, nâng cao chất lượng cuộc sống
Tiết kiệm chi tiêu, chờ tăng lương
Sau khi nghe thông tin sắp tăng lương, chị Trần Thị Thủy Tiên (công nhân Công ty TNHH Jungwoo Vina, huyện Nhơn Trạch) thêm phần phấn khởi. Chị Thủy cho biết, so với mức sống tối thiểu hiện nay, nhiều công nhân đang phải sống theo cảnh “thắt lưng, buộc bụng” mới đủ chi tiêu. Trong khi đó, để đảm bảo sinh hoạt phí hàng tháng, công nhân phải tăng ca nhiều, không có thời gian cho bản thân và giải trí. Tăng lương thời điểm này rất ý nghĩa để chia sẻ với đời sống của NLĐ.
Trong căn phòng trọ chật hẹp tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), chị Nguyễn Thị Mây cùng chồng và con nhỏ đang quây quần sau giờ tan ca. Chị Mây cho biết, cách đây một tháng, chị không may bị té xe trên đường đi làm về dẫn đến tay trái bị thương nặng, phải ở nhà điều trị. Hiện cả gia đình sống dựa vào đồng lương eo hẹp của chồng chị. Để có tiền chữa vết thương cũng như chi trả sinh hoạt phí, gia đình chị phải sống tằn tiện.
Còn chị Trịnh Thị Hồng (làm việc tại Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) cho biết, mấy tháng gần đây, công ty cho tăng ca nên lương ổn định ở mức gần 9 triệu đồng. Tuy nhiên, giá các mặt hàng ngoài chợ đang tăng nên thu nhập cũng không dư dả được bao nhiêu. “Vợ chồng tôi có thể ăn uống tiết kiệm nhưng các con đều đang tuổi ăn tuổi lớn, cần đủ chất dinh dưỡng nên bữa cơm gia đình ngày nào cũng phải tính toán” - chị Hồng chia sẻ.
Đáp ứng mức sống tối thiểu
Cuối năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cuộc khảo sát với gần 3 ngàn lao động ở 4 vùng với các loại hình DN, cho thấy có 17,3% công nhân lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố; 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an. Có 76,2% NLĐ tham gia khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trước việc giá cả hàng hóa leo thang, đa phần NLĐ đang rất trông đợi mức thu nhập mới sau cải cách tiền lương vào ngày 1-7 sắp tới. Nhiều công nhân hy vọng mức lương mới có thể bù đắp trượt giá, giúp cải thiện đời sống để có thêm động lực cống hiến cho doanh nghiệp (DN). Tăng lương, niềm mong chờ của người lao động.
Chị Bùi Thị Nga có nhiều năm làm công nhân ở Công ty TNHH Việt Nam Nok (thành phố Biên Hòa) cho biết, việc tăng lương lúc này giúp NLĐ yên tâm sản xuất. Bên cạnh trông đợi vào mức lương mới, chị cũng mong giá cả hàng hóa sớm bình ổn, không tăng theo tiền lương. Chị Nga bộc bạch: “Tăng lương thì mừng, nhưng tôi cũng có lo ngại những mặt hàng ngoài thị trường sẽ tăng theo. Như thế, đời sống của chúng tôi cũng chẳng được cải thiện là bao, nhiều khi còn không bắt kịp giá cả hàng hóa. Tôi hy vọng thị trường hàng hóa sẽ được kiểm soát và duy trì ổn định”.
Trong đợt đến thăm, tặng quà cho công nhân ở nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, chuyến đi giúp Công đoàn càng hiểu hơn đời sống, việc làm, mong muốn, tâm tư của NLĐ, nhất là những gia đình công nhân đang nuôi con nhỏ. Khi hỏi thăm về thu nhập, đa số NLĐ đều chia sẻ phải tằn tiện chi tiêu mới đủ lo cho các con, chi phí thuê trọ. Nhiều người do hoàn cảnh nên lâu năm không có điều kiện về quê thăm gia đình. Do đó, tăng lương, cải thiện thu nhập, công việc ổn định là niềm mong mỏi của phần lớn NLĐ.
Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho biết, đề xuất tăng LTTV 6% vào đầu tháng 7 tới sẽ phần nào cải thiện thu nhập cho công nhân lao động, nhất là lao động bị ảnh hưởng việc làm thời gian qua. Thực tế, qua các đợt khảo sát, nhiều lao động đều cho biết tiền tích lũy hàng tháng không có, trong khi mức lương không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu. Để chia sẻ với công nhân, một số DN đã tăng lương cho công nhân đầu năm 2024. Đây cũng là cách để các DN giữ chân NLĐ, đảm bảo nguồn lực sản xuất.
Theo nhiều cán bộ Công đoàn, NLĐ là tài sản lớn nhất của DN để duy trì sản xuất và phát triển; công nhân có thu nhập ổn định, không còn lo lắng về kinh tế gia đình thì mới an tâm làm việc, cống hiến cho công ty. Vì vậy, việc tăng lương không chỉ giúp đời sống của NLĐ được cải thiện, mà còn kích thích tinh thần hăng say lao động trong NLĐ. Tuy nhiên, cùng với tăng lương, Nhà nước phải kiềm chế lạm phát thì việc này mới có ý nghĩa với NLĐ.