TLĐT hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam nhưng lại được quảng cáo và bày bán tràn lan trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn ngang nhiên bày bán TLĐT, các loại tinh dầu, dụng cụ để sử dụng TLĐT. Với nhiều kiểu dáng, mùi vị hấp dẫn nên giới trẻ rất dễ bị thu hút, nhất là học sinh, sinh viên.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đỗ Huy Khánh cho rằng, ở độ tuổi học sinh, nhất là lứa tuổi dậy thì, các em có tâm lý tò mò, dễ bị lôi kéo, bắt chước, muốn chứng tỏ bản thân. Do thiếu hiểu biết nên các em rất dễ sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới như TLĐT. Điều này rất nguy hiểm vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe các em mà còn ảnh hưởng đến khả năng tập trung, kết quả học tập và nhiều vấn đề khác.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong khói thuốc lá có khoảng 7 ngàn chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau. Bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ tử vong sớm.
Chất Nicotine có trong thuốc lá làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt, còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.
Không những thế, TLĐT và kể cả một số loại thuốc lá mới có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ Nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.
Đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm TLĐT. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn TLĐT là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Để hạn chế tối đa hậu quả do thuốc lá mang lại, Việt Nam cần sớm cấm TLĐT, thuốc lá nung nóng (TLNN) và tăng thuế đối với thuốc lá.
“Cấm TLĐT, TLNN và tăng thuế thuốc lá sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế đối với các mục tiêu phát triển bền vững. Quan trọng hơn, nó sẽ bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người trên khắp đất nước hiện nay và cả các thế hệ mai sau"- tiến sĩ Angela Pratt nói.

Hút thuốc lá điện tử cũng có hại cho sức khỏe và không có tác dụng cai thuốc lá điếu
Hút thuốc lá điện tử cũng có hại cho sức khỏe và không có tác dụng cai thuốc lá điếu
Xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến TLĐT
Thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2020 đến quý I năm 2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 728 vụ với 883 đối tượng liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, khởi tố do phạm tội về ma túy 162 vụ với 299 đối tượng; khởi tố về tội buôn lậu 2 vụ với 2 đối tượng; còn lại xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng cho thấy, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng pha trộn, tẩm ướp các chất gây nghiện trong sản phẩm TLĐT, TLNN. Việc quảng cáo, mua bán TLĐT qua mạng xã hội tràn lan, thiếu kiểm soát tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký, ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13-5-2024 nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng TLĐT, TLNN.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán TLĐT, TLNN chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam. Yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý TLĐT, TLNN.
Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển TLĐT, TLNN nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu TLĐT, TLNN.
Bộ Công an tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch TLĐT để khởi tố, truy tố trước pháp luật…