Gắn kết đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ bảy - 06/07/2024 17:43
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Huyện Xuân Lộc có 6 làng dân tộc, gồm: làng dân tộc Chơ ro ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú), làng dân tộc S’tiêng và làng dân tộc Chơro (xã Xuân Hòa), làng dân tộc Chơro ấp Trung Sơn (xã Xuân Trường), làng dân tộc Chơro ấp Thọ Trung (xã Xuân Thọ) và làng dân tộc Chăm ấp 4 xã Xuân Hưng. Đồng thời, 20 ngàn người dân tộc thiểu số (DTTS) đang sống xen kẽ ở 88/92 khu phố, ấp của huyện.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang khen thưởng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu huyện Xuân Lộc
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang khen thưởng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu huyện Xuân Lộc

Đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số

Trước tiên, chính quyền địa phương luôn chủ động hỗ trợ bà con DTTS giữ gìn, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ riêng của từng cộng đồng.

Cụ thể, theo người có uy tín trong đồng bào DTTS, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Xuân Hưng Ab Do Ha Mit cho hay, ấp 4 có hơn 3 ngàn người Chăm sinh sống tập trung. Thời gian qua, bà con không chỉ được hỗ trợ phát triển kinh tế, thụ hưởng các chính sách chung, mà còn được khuyến khích giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Nhờ vậy, các lớp dạy tiếng Chăm, trao truyền nét đẹp văn hóa truyền thống của người Chăm cho con em trong làng thu hút được đông đảo bà con tham gia.

Còn theo ông Lý Mạc Sầu, người có uy tín trong đồng bào DTTS ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, ấp có hơn 600 gia đình thì 214 trong số này là hộ đồng bào DTTS. Thời gian qua, các lớp dạy ngôn ngữ của các dân tộc đã được tổ chức, giúp con em đồng bào giữ được tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Cùng với đó, chính quyền địa phương còn chủ động triển khai các chính sách giáo dục nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS tiếp cận các chương trình giáo dục.
Đảng viên Wa Hi Da Bi Vi (dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng) đang công tác tại trạm y tế xã cho hay, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự tạo điều kiện của gia đình và nỗ lực của bản thân mà chị có cho mình công việc ổn định sau khi hoàn thành chương trình giáo dục.

Từ thực tế của bản thân cũng như trong vai trò Phó Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Xuân Hưng, chị Wa Hi Da Bi Vi luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Theo chị, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều trẻ em trong làng phải nghỉ học nửa chừng và rất ít trường hợp được ăn học đến nơi đến chốn. Trong khi đó, Nhà nước thực hiện rất nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục để trợ giúp, hỗ trợ con em đồng bào DTTS. Chị Bi Vi đã gặp gỡ và khuyên phụ huynh cho con đến trường để sau này dễ dàng tìm được công việc tốt.

Nhờ vậy mà huyện Xuân Lộc hiện có 55 người DTTS là giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, có 95 công chức, viên chức, nhân viên là người DTTS đang tham gia công tác trong các lĩnh vực; hơn 3,8 ngàn học sinh người DTTS đang theo học các cấp.

Khuyến khích đồng bào tham gia vào các hoạt động cơ sở

Trong đó, từ các chương trình, dự án giảm nghèo do chính quyền các cấp thực hiện và nỗ lực của bản thân, đồng bào các DTTS đã chủ động xây dựng đời sống gia đình và trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nếu như năm 2019, hộ DTTS nghèo của huyện là 710 trường hợp thì đến cuối năm 2023 chỉ còn 86 hộ.

Bà Sou A Tah (dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng) cho hay, thông qua nỗ lực của bản thân, sự trợ giúp của chính quyền địa phương, gia đình bà trở thành hộ khá. Hiện việc chăm sóc vườn rẫy của gia đình bà tạo việc làm cho gần 20 lao động là người DTTS. Bà còn tự tiết kiệm một phần thu nhập để khi trong làng Chăm có gia đình nào được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà thì bà tìm đến trợ giúp một phần kinh phí.

Hưởng ứng Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã: Xuân Phú, Suối Cát, Xuân Thành, Xuân Trường, Lang Minh đã thành lập và tham gia các đội tự quản bảo vệ ấp, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điển hình là Đội Dân phòng nữ người dân tộc Chơro xã Xuân Phú với 15 thành viên. Hoạt động của đội đã góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Già làng Hùng Văn Xứng (ngụ ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) cho hay, làng dân tộc Chơro ở ấp Bình Hòa có 350 hộ dân tộc Chơro sinh sống. Từ năm 2010 đến nay, khi địa phương phát động xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, bà con tại đây được thụ hưởng các chính sách liên quan đến xây dựng đường giao thông nông thôn, đường điện, nước sạch, y tế, giáo dục, văn hóa. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bà con trong khu dân cư tự nguyện nhường đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Những tổ tự quản trong đồng bào cũng ra đời để dọn dẹp vệ sinh từng tuyến đường, cùng nhau trồng cây xanh tạo bóng mát. Chỉ riêng năm 2023, bà con đã có 7 đợt ra quân dọn vệ sinh đường làng với đại diện của các gia đình cùng tham gia.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây