(CTT-Đồng Nai) Thời gian qua, cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) tại thành phố Biên Hòa đã xây dựng nên nhiều mô hình an sinh xã hội có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang khen thưởng cá nhân, tập thể thành phố Biên Hòa có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang khen thưởng cá nhân, tập thể thành phố Biên Hòa có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024.
Đồng thời, bà con cũng rất tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, chính quyền các cấp phát động.
Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước
Tuy chỉ chiếm 1% dân số của thành phố với hơn 10,5 ngàn người song đồng bào DTTS tại Biên Hòa đã thể hiện được vai trò trong thực hiện các phong trào, mô hình vì sự phát triển chung thành phố và tỉnh.
Cụ thể, đồng bào DTTS ở thành phố Biên Hòa rất tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Trong số này, chị Trần A Múi (dân tộc Hoa) sinh sống tại phường Hóa An duy trì điều đặn việc hiến máu tình nguyện. Hiện chị Múi đã có gần 40 lần hiến máu tình nguyện. Chị Múi cho biết, lần hiến máu đầu tiên của chị diễn ra năm 2002. Ban đầu, mỗi năm chị hiến máu một lần, sau đó duy trì 2-3 lần hiến máu trong một năm. Ngoài ra, chị Múi còn kêu gọi những thành viên trong gia đình, dòng họ cùng hiến máu tình nguyện. Điều này đã góp phần nâng cao số máu tiếp nhận cũng như lượng người tham gia hiến máu tình nguyện hàng năm của thành phố.
Hiện 30 phường, xã của thành phố Biên Hòa là nơi sinh sống của hơn 3 ngàn gia đình DTTS. 99,6% gia đình DTTS tại thành phố có mức sống từ trung bình trở lên. Trong vai trò Phó Chủ tịch UBND phường Bình Đa, bà Mộc Ái Vân (dân tộc Nùng) đã cùng cán bộ phường, khu phố rà soát các khu nhà trọ nhằm kịp thời phát hiện hoàn cảnh khó khăn để có chính sách chăm lo chu đáo. Qua đó, nhiều trường hợp đã kịp thời được miễn giảm tiền thuê nhà, giúp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ làm các loại giấy tờ liên quan đến công việc cũng như việc học của con em…
Còn theo bà Tsằn Bích Thầu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Nùng (phường An Bình), phường là nơi sinh sống của hơn 800 đồng bào DTTS, trong số này có hơn 300 đồng bào Nùng. Trong quá trình đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, bà Thầu đã tạo nên những mô hình, chăm lo đời sống của cộng đồng. Một trong những hoạt động này là việc kết nối một số cơ sở khám, chữa bệnh để thực hiện khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho cộng đồng. Nhờ vậy mà nhiều trường hợp đã được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn điều trị một số bệnh lý.
Đối với ông Điểu Sầu (dân tộc Chơro) đang công tác tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, nhiều năm qua ông đã góp phần giúp học sinh, nhất là các em năm đầu theo học tại đây thêm an tâm học tập ở môi trường mới. Ông Điểu Sầu cho hay, có những học sinh DTTS mới hơn 10 tuổi đã xa nhà đến thành phố Biên Hòa theo học tại trường. Với lợi thế là người biết tiếng nói của các em nên ông cùng các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường giúp các em nhanh chóng hòa nhập nơi ăn chốn ở mới. Ông cũng động viên các em cố gắng học vì nhờ học mà sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai.

Thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số tại thành phố Biên Hòa trò chuyện trong ngày diễn ra Đại hội đại biểu các DTTS thành phố lần thứ IV-2024
Thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số tại thành phố Biên Hòa trò chuyện trong ngày diễn ra Đại hội đại biểu các DTTS thành phố lần thứ IV-2024
Hỗ trợ người yếu thế
Cụ thể, đồng bào DTTS thành phố đã chủ động việc gắn kết cộng đồng chăm lo cho hộ nghèo, gia đình khó khăn.
Theo ông Lý Nàm Sáng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa (phường Tân Phong), để kịp thời hỗ trợ cho bà con khó khăn trong cộng đồng tại địa phương, thông qua vận động, đồng bào Hoa tại đây duy trì tổ chức trao quà hàng quý cho người dân với số lượng từ 200-300 phần/lần. Cùng với đó, mô hình mai trợ táng cũng phát huy hiệu quả. Cụ thể, khi hay tin gia đình nào có người thân qua đời, đại diện cộng đồng tìm đến để có những trợ giúp về tổ chức ma chay cho người đã khuất. Đồng thời, cộng đồng cũng thường xuyên tổ chức các đợt thăm, tặng quà cho bà con DTTS tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, từ sự kết nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thất Phủ cổ miếu (chùa Ông), Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa đã phối hợp thực hiện chương trình công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2022-2024.
Theo đó, mỗi quý, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chùa Ông, Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa phối hợp thực hiện từ 1-2 lần trao tặng quà hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh. Mỗi đơn vị được hỗ trợ 600kg gạo, 20 thùng sữa, 20 thùng mì và 20 triệu đồng cùng một số trái cây. Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở bảo trợ xã hội (trong đó có 1 cơ sở công lập là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh). Thời gian qua, cả 16 cơ sở đều đã nhận được sự hỗ trợ và hơn một nửa trong số này đã nhận quà lần 2 từ chương trình.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Quyền Trưởng ban Trị sự chùa Ông, cho biết từ sự phối hợp thực hiện chương trình này mà cộng đồng người Hoa đã đóng góp nhiều hơn cho các cơ sở bảo trợ xã hội, nhất là cơ sở bảo trợ xã hội ở vùng sâu, vùng xa còn ít người biết đến.
Còn theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, sự tham gia, kết hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với chùa Ông, Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa trong việc trợ giúp người yếu thế tại các cơ sở bảo trợ xã hội thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Qua đó đã phát huy vai trò huy động cộng đồng người Hoa chung tay giúp đỡ cho người nghèo và các đối tượng khó khăn khác.