(CTT - Đồng Nai) - Năm học 2024-2025, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Ngành giáo dục đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, ngành giáo dục sẽ chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở các cấp học; tăng cường công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (thành phố Biên Hòa) múa khai giảng năm học mới 2024-2025
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (thành phố Biên Hòa) múa khai giảng năm học mới 2024-2025
Việc nâng tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia đã được các địa phương đề ra chỉ tiêu cụ thể.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Cửu Trần Anh Huy cho biết: “Năm học 2023-2024, huyện Vĩnh Cửu có 39/41 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 95,12%), 6/41 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (14,63%). Năm học này, huyện phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 97,5% và giữ vững tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đề ra trong năm học này. Theo đó, toàn ngành sẽ tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện; sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai thực hiện học bạ số…
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền Phan Trọng Nghĩa căn dặn học sinh chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền Phan Trọng Nghĩa căn dặn học sinh chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025
Đây là năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018 ở các khối lớp 5, 9, 12. Theo lãnh đạo các trường, việc triển khai có nhiều thuận lợi do cả giáo viên và học sinh đều đã quen với chương trình mới. Cán bộ, giáo viên đều đã được tập huấn đầy đủ các module theo yêu cầu.
Để triển khai đầu tư trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học công lập tổ chức dạy học môn Tin học cho học sinh từ lớp 3 theo đúng quy định Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; ngày 3-6-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo có Văn bản số 2283/SGDĐT-KHTC về việc chủ trương trang bị phòng thực hành tin học và máy vi tính cho các trường tiểu học công lập phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gửi UBND tỉnh. Hiện UBND tỉnh đang xem xét để cho chủ trương.
Năm học 2024-2025, ngành giáo dục Đồng Nai tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Phước 3 Trần Quốc Tuất, trường hiện còn 5 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định mới nhưng cả 5 giáo viên này đều đang đi học nâng cao trình độ để đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình đề ra.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai xác định tiếp tục tăng cường công tác mời gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục ở những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt.
Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và có phương án phân luồng tuyển sinh phù hợp; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Tiếp tục thực hiện rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.