(CTT-Đồng Nai) Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 278-KH/TU ngày 31-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Học sinh Trường THPT Nam Hà (tỉnh Đồng Nai) tham quan Trung tâm đào tạo nghề công nghiệp TGA của Bosch Việt Nam tại Khu công nghệ Long Thành
Học sinh Trường THPT Nam Hà (tỉnh Đồng Nai) tham quan Trung tâm đào tạo nghề công nghiệp TGA của Bosch Việt Nam tại Khu công nghệ Long Thành
Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2030 về những năm tiếp theo phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận được trình độ các nước ASEAN-4 và các nước phát triển (G20). Tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ, kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đạt trình độ của các nước phát triển (G20) trên thế giới.
Đối với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ phấn đầu có 50% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuyển mới và đào tạo khoảng 65 ngàn lao động/năm, đồng thời đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 2 trường cao đẳng trở thành trường chất lượng cao, hoặc trung tâm thực hành vùng, có khả năng đào tạo với một số nghề đạt chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế theo mô hình gắn kết doanh nghiệp. Phát triển 1 mô hình đào tạo xanh, 2 trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao chuẩn khu vực và quốc tế… Thực hiện quy hoạch lại các ngành nghề theo hướng phát triển của tỉnh, chú trọng các nghề công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ 4.0… Phấn đấu có 100% giảng viên, giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế.