(CTT-Đồng Nai) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đã làm việc với các sở, ngành, chủ đầu tư và địa phương về công tác giải phóng mặt bằng cho đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc. Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài hơn 60km, đi qua các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà phát biểu kết luận buổi làm việc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà phát biểu kết luận buổi làm việc
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đã ảnh hưởng đến hơn 1.500 hộ dân, trong đó nhu cầu tái định cư là khoảng 279 trường hợp. Số lượng hộ cần tái định cư tại mỗi huyện lần lượt là: Thống Nhất (20), Xuân Lộc (7-8), Định Quán (120) và Tân Phú (131). Để giải quyết vấn đề này, các địa phương đã và đang rà soát các lô đất tái định cư hiện có cũng như khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư mới.
Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Xây dựng), đơn vị chủ đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cho biết, trong năm 2025, dự án đã được cấp 814 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Số vốn này đã được chuyển đến tài khoản của Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện để thực hiện các hoạt động đo đạc, kiểm đếm và đền bù.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho cả hai dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đã chỉ đạo các địa phương triển khai đợt cao điểm 45 ngày cho Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, với mục tiêu hoàn thành lập phương án bồi thường, hỗ trợ trước ngày 20-6. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu thành lập các đoàn công tác do ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy dẫn đầu để tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời phân công lãnh đạo UBND huyện trực tiếp phụ trách. Về trách nhiệm các sở, Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn Sở Công thương đảm nhận việc di dời hạ tầng kỹ thuật.