Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Quảng bá và lan tỏa nghề luyện kim cổ Đồng Nai

(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai tự hào sở hữu 4 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận, những di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đặc biệt, Qua đồng Long Giao (15 tiêu bản) và tượng đồng tê tê Long Giao là hai hiện vật/bộ sưu tập liên quan mật thiết đến nghề luyện kim truyền thống của địa phương.

Tượng đồng tê tê Long Giao - hiện vật liên quan trực tiếp đến nghề luyện kim ở Đồng Nai
Tượng đồng tê tê Long Giao - hiện vật liên quan trực tiếp đến nghề luyện kim ở Đồng Nai

Đồng Nai - vùng đất có nghề luyện kim cổ phát triển

Từ hàng ngàn năm trước, Đồng Nai đã là một vùng đất có nền luyện kim phát triển rực rỡ. Các di chỉ khảo cổ học tại Long Giao, Suối Chồn, Cái Vạn... đã chứng minh nơi đây từng là một trung tâm luyện kim quy mô lớn với kỹ thuật cao, sản xuất ra nhiều công cụ và đồ dùng bằng đồng thau tinh xảo. Kỹ thuật đúc không chỉ được ứng dụng để tạo ra các công cụ phục vụ đời sống như rìu, giáo, lao, mũi tên, lục lạc, lưỡi câu mà còn để chế tác những tác phẩm nghệ thuật tinh tế.

Theo tác phẩm "Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai" của Nguyễn Giang Hải và Huỳnh Văn Tới đã chỉ ra rằng, nghề luyện kim và văn hóa đồng cổ ở Đồng Nai có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, bao trùm lưu vực sông Đồng Nai, tương đương với khu vực Đông Nam Bộ hiện tại. Những khám phá khảo cổ học liên tục được tìm thấy tại Đồng Nai đã củng cố mạnh mẽ bằng chứng về một nền kỹ nghệ luyện kim đồng thau tồn tại ở lưu vực sông Đồng Nai trong khoảng thời gian từ thiên niên kỷ thứ II đến I trước Công nguyên.

Tượng đồng tê tê Long Giao và bộ sưu tập Qua đồng Long Giao là hai phát hiện khảo cổ học quan trọng, được xem là những di tích tiêu biểu nhất của giai đoạn tiền sử - sơ sử ở lưu vực sông Đồng Nai. Tượng đồng tê tê Long Giao là một hiện vật gốc, độc bản, gây ấn tượng bởi hình thức độc đáo, kích thước đặc biệt và kỹ thuật đúc đồng tinh xảo. Nó không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, cho thấy sự phát triển của nghề luyện kim ở Đồng Nai thời đồng thau - sơ kỳ sắt, mà còn là một hiện tượng hiếm thấy trong bối cảnh nhà nước sơ khai ở miền Đông Nam bộ.

Cùng với tượng đồng tê tê Long Giao và qua đồng Long Giao, Triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai còn giới thiệu một cách sinh động quy trình chế tác và kỹ nghệ luyện kim, đúc đồng thông qua nhiều hình ảnh và hiện vật. Khách tham quan có thể thấy các công cụ rèn vũ khí như quạt lò, bếp, kìm, đe, búa; các sưu tập về nghề thủ công kim hoàn (tiêu biểu là bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Cầu) và nghề đúc gang như cân điện tử, hũ nấu cám vàng, bay làm khuôn, khuôn lưỡi cày... Đặc biệt, các hiện vật được sắp xếp trong không gian trải nghiệm, giúp người xem cảm nhận rõ hơn về nghề thủ công truyền thống và sự hòa nhập của nó vào cuộc sống hiện đại.

Người dân và du khách tham quan triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai tại Bảo tàng tỉnh
Người dân và du khách tham quan triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai tại Bảo tàng tỉnh

Trưng bày, phục vụ Nhân dân và du khách

Tại Triển lãm Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai, ông Nguyễn Mộng Điệp, Phó Chủ nhiệm CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa, cho biết CLB đã giới thiệu nhiều sản phẩm đúc đồng quý giá, được sưu tầm và bảo tồn qua nhiều giai đoạn lịch sử. Theo ông, những hiện vật này không chỉ minh chứng cho trình độ kỹ thuật cao của các nghệ nhân xưa mà còn phản ánh dòng chảy văn hóa, xã hội đặc trưng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và cả khu vực Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Mộng Điệp, việc đưa cổ vật đến trưng bày tại bảo tàng có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tình yêu di sản trong cộng đồng, đồng thời là kênh quảng bá và giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương hiệu quả. CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa hy vọng triển lãm sẽ góp phần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn nghề luyện kim truyền thống, một nét văn hóa đặc sắc của Đồng Nai. Về phía Bảo tàng Đồng Nai, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Minh cho rằng, Triển lãm Nghề luyện kim cổ được tổ chức nhằm giới thiệu đến người dân trong và ngoài tỉnh những thành tựu văn hóa rực rỡ của cư dân cổ Đồng Nai, đặc biệt là nền luyện kim cổ xưa. Các bảo vật quốc gia và hình ảnh trưng bày sẽ mang đến cho người xem một cái nhìn sinh động và sâu sắc về giá trị di sản văn hóa của Đồng Nai và Biên Hòa - Đồng Nai.
Hòa Bình

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang