Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội từ số hóa dữ liệu ở Đồng Nai

(CTT-Đồng Nai)  -  Cùng với việc số hóa dữ liệu về di sản văn hóa, nhất là các lễ hội truyền thống, việc chia sẻ, phát huy khối dữ liệu này đã tạo điều kiện để công chúng tiếp cận di sản dễ dàng hơn, đặc biệt qua các nền tảng kỹ thuật số. Nhiều di sản được “đánh thức", tạo giá trị kinh tế, mặc dù đây mới chỉ là một phần trong khối di sản đồ sộ của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

81266f720b11b84fe100.jpg

Lễ hội miếu ông Đá mộ Cự thạch Hàng Hòn, thành phố Long Khánh thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia​

Nhiều kỳ vọng…

Già làng Điểu Liệt, ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng, huyện Định Quán cho biết, Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro thường được tổ chức vào tháng 3 và tháng 4 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Lễ hội đã được các cấp, các ngành phục dựng, duy trì không chỉ tại Định Quán mà còn ở các địa phương. Đặc biệt, trong năm 2024, tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Thành phố Hà Nội), các nghệ nhân, già làng người Chơro của Đồng Nai đã mang Lễ hội Sayangva đến, tái hiện theo các nghi thức truyền thống, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc anh em.

“Việc lễ hội số hóa dữ liệu, được lập hồ sơ, đề nghị ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui, tự hào cho đồng bào Chơro. Đây không chỉ là di sản văn hóa của đồng bào mà còn là tài sản tinh thần quý báu của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung" - già làng Điểu Liệt chia sẻ.

Theo Đội trưởng Đội hát then, đàn tính ấp 8, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán Hoàng Thị Huyên, ấp 8, xã Thanh Sơn là địa phương hàng năm diễn ra Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội Xuống đồng). Lễ hội không chỉ là dịp để đồng bào Tày chúng tôi tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, trao truyền văn hóa.

Thông tin lễ hội được lập hồ sơ khoa học, đề nghị ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nếu được phê duyệt, sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn về nghiên cứu, đầu tư, quảng bá, tạo điều kiện để cộng đồng người Tày ở Định Quán tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống. Đây cũng là một niềm vinh dự lớn, giúp con em đồng bào Tày trên vùng đất mới Định Quán - Đồng Nai hiểu và trân trọng hơn bản sắc dân tộc.

Bí thư Đoàn phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa Bùi Thị Khánh Linh cho hay, với mong muốn đưa lịch sử đến gần hơn với người dân và du khách, Đoàn phường Trung Dũng đã triển khai hệ thống mã QR tại các địa điểm di tích quan trọng. Khi quét mã, trên điện thoại sẽ xuất hiện đường link, nhấp vào đó sẽ hiện lên những infographic mà Đoàn phường đã thiết kế, rất chi tiết, rõ ràng, hình ảnh bắt mắt, sinh động.

Ngoài ra, Đoàn phường Trung Dũng còn tích cực đưa dữ liệu về di tích, về các lễ hội truyền thống của phường, của thành phố Biên Hòa lên các trang mạng xã hội, website, giúp lưu giữ và quảng bá giá trị văn hóa của địa phương. Đây là việc làm cần thiết để thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nghi thức, lịch sử và ý nghĩa của các lễ hội; tạo động lực để các di tích và lễ hội truyền thống được duy trì và phát triển trong bối cảnh hiện đại.

Truyền thông sinh động về lễ hội trên các nền tảng

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hàng năm, trên địa bàn Biên Hòa diễn ra nhiều lễ hội tại các di tích văn hóa, lịch sử; một số lễ hội được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. Việc ứng dụng công nghệ số quảng bá lễ hội được địa phương, Ban trị sự các di tích nơi diễn ra lễ hội quan tâm. Bên cạnh tổ chức, thành phố cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trước, trong và sau lễ hội, đảm bảo thực hiện đúng các quy định, giúp người dân tham gia lễ hội vui tươi, an toàn, ý nghĩa. Qua đó, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, tôn vinh truyền thống văn hóa Đồng Nai.

0232b206d565663b3f74.jpg

Lễ hội Lồng tồng ở huyện Định Quán đang được lập hồ sơ, đề nghị ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 2025

Theo thạc sĩ Phan Đình Dũng, Ban Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, từ năm 1998, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đồng Nai đã phục dựng, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống trước đây bị mai một. Ngành văn hóa quan tâm nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó các công trình biên soạn, xuất bản cũng như phim tư liệu về lễ hội cộng đồng các dân tộc được thực hiện. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị di sản, nhất là các lễ hội, Đồng Nai cần phổ biến, quảng bá, truyền thông sinh động hơn về lễ hội, từ làm phim, giới thiệu qua báo, đài, mạng xã hội, phát hành sách, tờ gấp, đĩa CD, các website… Nhân dân nói chung và những cộng đồng chủ thể văn hóa tại chỗ khi nhận biết về di sản văn hóa trên nền tảng số sẽ yêu mến, tự hào và có trách nhiệm bảo tồn, phát huy.


Hòa Bình

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang