(CTT - Đồng Nai) - Dù chưa bước vào cao điểm mùa khô nhưng những tuần qua, tại nhiều khu dân ở Đồng Nai đã xuất hiện các đám cháy, vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy chưa ghi nhận thiệt hại về người nhưng các sự cố này đã khiến hộ dân gần đó lo ngại nguy cơ cháy, nổ khi cao điểm mùa khô đang đến dần.
Nguy cơ cháy cao
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, trong tháng 2-2025, cả nước xảy ra 338 vụ cháy; trong đó có 191 vụ xảy ra tại khu vực thành thị và 147 vụ xảy ra ở khu vực nông thôn. Đáng chú ý, nguyên nhân của 196/338 vụ đã làm rõ gồm: 137 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 49 vụ do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…
Tại Đồng Nai, trong 3 tháng đầu năm 2025, thời tiết khô nóng với nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ cháy. Nhất là việc liên tục xảy ra các vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh giữa khu dân cư.
Điển hình như vào tối 10-3, tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) xảy ra cháy nhà kho chứa nguyên liệu pha chế sơn với diện tích 600m2 (đã bị đình chỉ hoạt động từ đầu năm 2024). Hay vào trưa 16-2, tại xã Lộc An (huyện Long Thành, gần khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn) đã xảy ra cháy tại Trạm biến áp 500kV Long Thành (thuộc quản lý của Truyền tải điện miền Đông 1, Công ty Truyền tải điện 4, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia). Thậm chí vào trưa 28-1 (29 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) xảy ra cháy tại nhà kho chứa vật liệu xây dựng (ống nhựa) của hộ kinh doanh H.C.
Điểm chung của các sự cố trên là không ghi nhận thiệt hại về người nhưng đều xảy ra vào lúc trưa hoặc tối, khi thời tiết hanh khô hoặc khi có ít người làm việc tại ở các cơ sở (rơi vào kỳ nghỉ hoặc dịp cuối tuần). Vì vậy, nếu việc khống chế ban đầu không thực hiện nhanh chóng sẽ khiến đám cháy lan nhanh, vượt qua khả năng xử lý của người dân địa phương hoặc lực lượng tại chỗ.
Chủ động phòng cháy từ cơ sở
Trước thực tế trên, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh chỉ rõ cần tăng cường và nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư. Để thực hiện được điều này cần có trách nhiệm của cả cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ cơ sở lẫn người dân trong các khu dân cư.
Ông Nguyễn Trí Tân, Chủ tịch UBND phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa) cho biết, những hộ sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư tại địa phương liên tục được nhắc nhở, tuyên truyền, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về PCCC. Đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh các loại hình, mặt hàng dễ cháy như: gỗ, giấy, vải… Cùng với đó, liên tục trong thời gian qua, UBND phường tập trung soát, kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp phép xây dựng những nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, khi cao điểm mùa khô đang đến dần, nhiệm vụ cấp bách được các ngành chức năng đặt ra là ngăn ngừa cháy, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy. Để làm được việc này, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng Công an cấp xã trên toàn tỉnh tiếp tục triển khai kiểm tra PCCC với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng...
Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, thông tin, ngay từ đầu năm 2025, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng PCCC cho chủ cơ sở, từng hộ dân trong khu dân cư. Bên cạnh việc tự phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót có nguy cơ gây ra cháy, nổ thì chủ cơ sở sẽ có kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu đảm bảo hiệu quả, không để phát sinh hậu quả nghiêm trọng.