(CTT-Đồng Nai) - Tại Đồng Nai mặc dù chưa có ca bệnh cúm nặng nào phải nằm viện điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh, song số ca mắc bệnh đường hô hấp đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người già.
![](/TinTucHinhAnh/dongnai/85242ceb04302a48181f67da8fb0bfd1-2025-02-14.13-53-40.jpg)
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhi bị viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhi bị viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Gia tăng bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp ở trẻ
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhi, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, hen phế quản, viêm phổi hậu sởi, viêm đường hô hấp trên. Trẻ bị viêm phổi đa số dưới 5 tuổi, nhiều nhất là dưới 2 tuổi, có những trường hợp phải thở oxy, thở CPAP.
Chị N.T.K.A., ngụ huyện Xuân Lộc đang chăm sóc con nhỏ gần 4 tháng tuổi tại bệnh viện cho biết, cách đây vài ngày, con chị bị co thắt ngực, thở mạnh, lõm ngực. Lo sợ con bị bệnh nặng, gia đình chị A. đưa con vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu. 2 ngày sau đó, bé được chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vì bệnh diễn tiến nặng hơn.
“Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị viêm phổi nặng, được cho thở oxy, truyền kháng sinh. Hiện, bé đã đỡ hơn nhưng vẫn còn thở rít, quấy khóc” - chị K.A. nói.
Bác sĩ Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, bệnh viêm phổi nặng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, khó thở, tím tái. Trường hợp nhẹ hơn phải thở oxy, nặng phải thở CPAP, thở máy, điều trị trong thời gian dài. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em đa số là do virus. Những chủng virus này có thể lây lan nhanh theo đường hô hấp, đặc biệt là trong thời tiết thay đổi đột ngột, giao mùa, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Ngoài ra cũng có những trường hợp mắc viêm phổi do vi khuẩn
![](/TinTucHinhAnh/dongnai/85242ceb04302a48181f67da8fb0bfd1-2025-02-14.13-53-52.jpg)
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh cúm, phế cầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh cúm, phế cầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tiêm vaccine, đeo khẩu trang nơi đông người
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, những ngày gần đây, số ca bệnh hô hấp nhập viện điều trị tại khoa tăng khoảng 30% so với trước đó.
Theo bác sĩ Hà, những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều người ở Đồng Nai về quê ăn Tết ở các tỉnh phía Bắc có thời tiết lạnh. Bên cạnh đó, người dân giao lưu, đi lại nhiều trong khi không thực hiện các biện pháp phòng bệnh nên dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp.
Bác sĩ Đoàn Quốc Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong khoa hiện không có trường hợp nào bị bệnh cúm phải nằm điều trị. Tuy nhiên, người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh cúm nói riêng và các bệnh đường hô hấp nói chung bằng các biện pháp đơn giản như: tiêm vaccine cúm, vaccine viêm phổi, viêm phế cầu, sởi, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nhất là các cơ sở y tế. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh cúm để tránh lây nhiễm bệnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng...
Các bác sĩ lưu ý, những biểu hiện thường gặp của bệnh cúm như: sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt. Nhiều người dân khi có các triệu chứng trên thường chủ quan cho rằng là bệnh cảm cúm thông thường nên hay ra các tiệm thuốc để tự mua thuốc uống. Điều này là không nên vì có thể sẽ khiến bệnh nặng hơn, điều trị kéo dài. Vì thế, khi có các triệu chứng của bệnh đường hô hấp, tốt nhất người dân nên đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị hợp lý.
Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi, bệnh cúm có thể dẫn đến nguy cơ gây ra những biến chứng như: viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong. Do vậy, những người có bệnh nền càng nên tiêm đầy đủ, đúng liều các loại vaccine phòng bệnh.