Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ: Vẫn còn nhiều thách thức

(CTT-Đồng Nai) - Khoa học công nghệ (KH-CN) được coi là mũi nhọn để đưa kinh tế Việt Nam phát triển, tuy nhiên đầu tư cho lĩnh vực này từ phía Nhà nước lẫn doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều thách thức. Nguồn lực đầu tư hạn chế, thị trường KH-CN mới bước đầu được xây dựng và chưa nhiều DN mặn mà trọng việc thành lập quỹ phát triển KH-CN của mình là những vấn đề cần giải quyết.

img2-19-01-2024-hung.JPG

Hỗ trợ DN trong việc đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất là một trong những nhiệm vụ mà Đồng Nai sẽ tiến hành. Trong ảnh, sản xuất tại một DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa

Tại Đồng Nai, gần đây tỉnh cũng đã ban hành các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DN trong lĩnh vực KH-CN, điều quan trọng là việc triển khai cần sớm được triển khai và khuyến khích DN hưởng ứng.

Kết quả chưa cao 

Trên thực tế, không chỉ đối với Đồng Nai mà trên bình diện cả nước thì đánh giá một cách khách quan, việc phát triển khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa thật sự trở thành động lực phát triển. Đầu tư của Nhà nước và xã hội cho lĩnh vực này chưa xứng với tiềm năng; cơ chế quản lý khoa học và công nghệ đã có đổi mới nhưng chưa theo kịp cơ chế thị trường. Ngoài ra, một số chính sách còn hạn chế, bất cập; thiếu chuyên gia đầu ngành, nhất là lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, vi mạch, trí tuệ nhân tạo…

Việc phát triển thị trường KH-CN cũng còn chưa hoàn chỉnh về hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ chưa đồng bộ. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ. Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng. DN khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của DN còn yếu.

Ngay cả như vấn đề phát triển DN KH-CN, dù là tỉnh có số lượng DN lớn nhưng đến nay, Đồng Nai cũng mới chỉ có vài đơn vị được chứng nhận là DN KH-CN, và ngay cả những đơn vị được chứng nhận ấy thì quy mô sản xuất, hoạt động còn rất nhỏ, kho có tác động lan tỏa đến các đơn vị khác. Cho tới nay, tỉnh cũng mới chỉ có 3 DN thành lập quỹ Phát triển KH-CN với tổng số vốn 9,4 tỷ đồng. Đó là 2 công ty cổ phần có vốn nhà nước gồm: Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai; Tổng công ty CP phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và 1 DN có 10% vốn đầu tư nước ngoài là Công ty CP Dược phẩm OPV. Riêng DN tư nhân chưa có đơn vị nào thành lập quỹ. Con số ít ỏi trên cho thấy nhiều DN vẫn chưa thấy rõ được lợi ích, tầm quan trọng của Quỹ Phát triển KH-CN đối với sự phát triển của DN. 

Triển khai các chương trình hỗ trợ

Trước tình hình trên, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng đã đặt ra nhiều giải pháp để phát triển KHCN, thị trường KHC-CN và coi đây là mũi nhọn đột phá để phát triển đất nước. Tại Đồng Nai, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết số 31 (năm 2022) về Quy định chính sách hỗ trợ DN về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 và UBND tỉnh cũng đã bước đầu triển khai đến các đơn vị trực thuộc.

Theo đó, tỉnh  sẽ trích nguồn ngân sách cân đối trong dự toán hàng năm từ nguồn chi sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh để hỗ trợ cho các dự án, doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ. Mức hỗ trợ là từ 30-50% giá trị hợp đồng, dự án, tương đương tối đa từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/DN.

Cụ thể, đối với các DN sản xuất các sản phẩm có tính năng, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại; có công nghệ sản xuất mới góp phần gia tăng ít nhất 5% giá trị sản phẩm, đồng thời làm chủ công nghệ này ít nhất 2 năm sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện dự án phát triển, tối đa không quá 1 tỷ đồng.

Đối với các DN có nhu cầu hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển các mô hình quản trị sản xuất thông minh, mức ngân sách hỗ không quá 100 triệu đồng. Các DN lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nhu cầu đầu tư tự động hóa mô hình canh tác, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư công nghệ giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch…và các làng nghề truyền thống, ngân sách sẽ hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí và không quá 500 triệu đồng…

Ngoài các chính sách hỗ trợ trên, Đồng Nai cũng sẽ hỗ trợ DN xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ. Song song đó, các DN có nhu cầu thúc đẩy hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tìm kiếm, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ mới cũng sẽ nhận được mức hỗ trợ tương tự (tối đa 50 triệu đồng/doanh nghiệp).

Là một trong những DN chuyên sản xuất các sản phẩm, máy móc tự động hóa, ông Lê Xuân Thời, Giám đốc Công ty TNHH Astek (TP.Biên Hòa) đang mong muốn tương lai sẽ phát triển thành đơn vị có đủ khả năng đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm mới theo yêu cầu của đối tác. Do đó theo ông Thời, việc hỗ trợ của các địa phương là rất cần thiết, không chỉ trong lĩnh vực trực tiếp là KH-CN mà còn ở các lĩnh vực khác như hạ tầng sản xuất, thị trường, môi trường kinh doanh…​


Bảo Nguyên

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang